Phó Chủ tịch Hội NDVN: Dạy nghề thiết thực, phù hợp với nông dân

Nguyễn Quỳnh Thứ bảy, ngày 18/08/2018 12:34 PM (GMT+7)
Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân (Hội ND) tỉnh Cao Bằng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018-2023, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn khẳng định, trong nhiệm kỳ qua (2013-2018) các cấp Hội ND tỉnh Cao Bằng đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết đã đề ra.
Bình luận 0

Cụ thể, các cấp Hội của tỉnh đã tổ chức các mô hình liên kết trong sản xuất, chủ động kí kết các chương trình phối hợp liên ngành, xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, xây dựng các đề án, dự án tạo các nguồn lực hỗ trợ nông dân. Trong 5 năm qua hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội VII đã đề ra. Từ thực tiễn đã xuất hiện nhiều cách làm mới, mô hình mới, những tập thể và cá nhân điển hình đáng được biểu dương, ghi nhận như: Mô hình “phát triển chăn nuôi dê” tại huyện Bảo Lâm, mô hình “chăn nuôi bò sinh sản” tại huyện Bảo Lạc, mô hình “phát triển cây Thanh Long” tại huyện Nguyên Bình, mô hình “phát triển chăn nuôi lợn nái sinh sản” tại huyện Thạch An...

img

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn phát biểu chỉ đạo tại đại hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cũng lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Hội và phong trào ND tỉnh Cao Bằng cũng còn khuyết điểm, hạn chế, đề nghị các cấp Hội cần sớm có biện pháp khắc phục. Trong nhiệm kỳ tới, Hội ND tỉnh Cao Bằng cần lưu ý thực hiện một số vấn đề.

Một là, các cấp Hội, mỗi cán bộ và hội viên phải nhận thức sâu sắc về vai trò nòng cốt của Hội và vai trò chủ thể của giai cấp ND trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp ND Việt Nam và giảm nghèo bền vững.

Hai là, tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hoạt động, trong đó cần ưu tiên xây dựng Hội về tổ chức với nội dung và giải pháp cụ thể như chú trọng phát triển đi đôi với quản lý và nâng cao chất lượng hội viên; làm tốt công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng tập hợp, đoàn kết, vận động nông dân; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, ND.

Ba là, từng bước đổi mới mô hình tổ chức cơ sở Hội thông qua nhân rộng mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp theo Đề án 24 của Ban Thường vụ T.Ư Hội, đặc biệt là đối với Tổ hội.

Bốn là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp và chính đáng của hội viên, tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân.

Để thể hiện vai trò chủ động trong việc tham gia tổ chức sản xuất, tái cơ cấu nền nông nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới, hoạt động dạy nghề cho nông dân của các cấp Hội cũng cần được chú trọng theo hướng đào tạo những nghề thiết thực, phù hợp với hội viên, nông dân, đào tạo theo thực tế sản xuất, theo hình thức "cầm tay chỉ việc", theo mô hình "nông dân dạy nông dân".

Năm là, Hội cần đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tham gia xây dựng làng văn hóa, thôn bản văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và bảo vệ môi trường nông thôn; tích cực, chủ động tham gia công tác xây dựng, phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem