Phơi bèo tây, lãi hàng... chục triệu đồng/vụ

Chủ nhật, ngày 26/06/2011 06:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghề đặc biệt này đang phát triển mạnh tại huyện Thanh Hà (Hải Dương), mang lại cho nông dân nguồn thu nhập đáng kể, và đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường.
Bình luận 0

Nghề ở quanh ta…

Về huyện Thanh Hà vào mùa này đã bắt đầu lác đác thấy những bó bèo tây (lục bình) được phơi ngoài đường. Mùa phơi bèo tây sẽ bắt đầu rộ lên vào đầu tháng 7. Nghề phơi bèo tây khô làm nguyên liệu để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ đã có mặt tại Thanh Hà được 9 năm nay nhưng được người dân nơi đây chú trọng phát triển trên diện rộng thì mới được khoảng 3 năm trở lại đây. Người có công phổ biến nghề này ở Thanh Hà là anh Phạm Văn Toản ở xã Thanh Xá.

 img
Làm các sản phẩm mỹ nghệ từ bèo.

Theo anh Toản, vùng Thanh Hà là nơi có nhiều bèo tây do có nhiều sông, hồ, chất lượng bèo rất tốt, thân cao, thẳng, phơi khô có màu trắng ngà hoặc hơi xám tự nhiên và dai. Bình thường, bèo tây không được thu gom nên phát triển rất mạnh làm nghẹt dòng chảy của sông, hồ.

Nhìn quanh các tỉnh bạn, anh Toản thấy rất nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ phải nhập thân bèo tây khô từ các vùng xa xôi, có khi phải vào cả miền Nam. So sánh chất lượng bèo khi phơi khô, anh Toản khẳng định bèo Thanh Hà sẽ "ăn đứt" nên đã vận động bà con cắt bèo tây phơi khô để bán, vừa có tác dụng làm sạch môi trường, lại tăng thêm thu nhập cho bà con. Anh bảo: "Chỉ cần đề ý, học hỏi là nghề kiếm cơm có thể ở quanh ta. Nói phơi bèo đơn giản, nhưng thực sự để đạt chuẩn thì phải học và phải làm nghề một cách nghiêm túc".

Nghề đơn giản cũng phải… chuẩn

Theo anh Toản, lá bèo tây đạt chuẩn phải là những lá bánh tẻ, chiều dài thân lá đạt khoảng 40cm trở nên. Sau khi cắt bèo về sẽ bỏ hết phần lá, chỉ giữ lại phần thân. Sau đó thân bèo sẽ được phơi cho đến khi khô kiệt nước sẽ được các ông chủ đến tận nhà để thu mua. Để có được 1kg bèo khô sẽ cần khoảng 9 đến 12kg bèo tươi. Giá bán một kg bèo khô dao động từ 6.000 - 7.000 đồng. Tuy thu nhập từ nghề này là không lớn nhưng cũng đem lại một nguồn thu khá cho bà con nơi đây, nhất là khi mà công việc này lại không hề khó khăn.

Cây bèo tây du nhập Việt Nam khoảng năm 1905, còn có tên gọi khác là bèo Nhật Bản hay lục bình, lộc bình… Bèo tây phân bố ở khá nhiều vùng ở Việt Nam nên nếu thấy bèo tây có đặc điểm cao, thân dài, bà con đều có thể tổ chức phơi thân bèo tây và liên hệ với các công ty thủ công mỹ nghệ (mây tre đan, lục bình đan…) để bán sản phẩm.

Ông Phạm Văn Tiến, người dân xã Thanh Xá cho hay, một vụ phơi bèo tây 3-4 tháng, một người chăm chỉ có thể kiếm được tới 6-7 triệu đồng. "Đó là khoản tiền kha khá với nhà nông"- ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng chia sẻ, chủ thu mua chính bèo tây khô của cả huyện Thanh Hà là các công ty tư nhân ở Ninh Bình, Thanh Hoá. Trong đó có các công ty thu mua số lượng lớn như Công ty Phương Đông tại Ninh Bình.

Thu mua nguyên liệu xong, các công ty này sẽ thuê nhân công để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bèo tây khô như: Túi, giỏ xách, làn, ghế ngồi, bàn đến những sản phẩm cao cấp hơn như tủ hay giường. Các nước nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Úc…

Các công ty đều cho biết, thì hiện các sản phẩm này đang rất được ưa chuộng vì có tính thẩm mỹ cao, lại thân thiện với môi trường và dễ tái chế khi đã hết hạn sử dụng (cụ thể là làm nguyên liệu để trồng nấm).

Trung bình một vụ thu mua, anh Toản lãi khoảng 70 triệu đồng. Hiện nay anh đang cùng với một số chủ thu mua khác tiến hành vận động bà con nông dân phát triển nghề trên diện rộng, thu hút nông dân của các xã như An Lương, Thanh Hải, Phượng Hoàng (huyện Thanh Hà) cùng tham gia…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem