Quảng Nam: Huyện Đại Lộc đột phá về hạ tầng, làm mô hình sản xuất

Đoàn Hồng Thứ tư, ngày 05/06/2019 13:33 PM (GMT+7)
Thời gian qua, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong triển khai chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, chương trình xây dựng NTM được triển khai thực hiện từ nguồn đầu tư hỗ trợ trực tiếp của chương trình, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, huy động nguồn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác. Các địa phương trên toàn huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

“Phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu của người dân nên được chú trọng đầu tư, người dân đồng tình và tự nguyện thực hiện. Toàn huyện có trên 218,753km đường trục xã; 207,203km đường trục thôn và 225,91km đường giao thông nội đồng được xây dựng đạt chuẩn. Hàng loạt trạm bơm, công trình thủy lợi cũng được đầu tư nâng cấp. Nhất là kiên cố hóa 72,4km kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất một cách hiệu quả…” - ông Mẫn chia sẻ. 

img

Huyện Đại Lộc đã đạt nhiều kết quả trong triển khai xây dựng NTM. Ảnh: Đ.H

Trường học các cấp từng bước xây dựng theo chuẩn, 61/61 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 22 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp, đã đầu tư xây dựng 13 công trình sân vận động xã, 10 nhà văn hóa xã, 108 nhà văn hóa thôn, 79 khu thể thao thôn. Xây mới, sửa chữa 14 công trình trạm y tế xã. Đầu tư nâng cấp 4 chợ và xây mới 6 chợ nông thôn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

“Sự đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nông thôn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương phát triển, từ đó sẽ tác động để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM...” - ông Mẫn nhấn mạnh.

Theo ông Mẫn, những năm qua, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất được Đại Lộc quan tâm thực hiện, hướng dẫn nhân dân xây dựng nhiều mô hình vườn cây ăn quả, mô hình nuôi cá nước ngọt, quy hoạch xây dựng vùng sản xuất chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Trên đất lúa, các địa phương đã liên kết với các đơn vị có chức năng sản xuất giống cây trồng đã chuyển được trên 1.500ha đất sản xuất lúa lương thực sang sản xuất hạt lúa giống lai F1 và lúa thuần các loại.

Nếu như năm 2010 tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện đạt 4.042,05 tỷ đồng, thì năm 2018 đạt 10.543,88 tỷ đồng, tăng bình quân trên 12%/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem