Trước đây, nhắc đến thôn 4, xã Trà Nam là nhắc đến nơi có số hộ nghèo cao nhất của xã. Bà con nơi đây chủ yếu là người đồng bào Xê Đăng, trước kia chỉ biết bám lấy cái nương, cái rẫy nhưng không thể đủ sống qua ngày.
Từ khi huyện Nam Trà My có chủ trương vận động, hỗ trợ bà con nhân dân trên toàn địa bàn huyện trồng cây dược liệu, tạo đà để thoát nghèo bền vữngthì người dân nơi đây từng bước phát triển kinh tế cho gia đình mình.
Nhiều hộ dân huyện Nam Trà My đang dần thoát nghèo bền vững từ mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn.Trong ảnh: mô hình cây dược liệu giảo cổ lam của anh Nguyễn Duy Gấm.
Với sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và nhất là phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, được bà con chăm sóc chu đáo, nên cây dược liệu như: giảo cổ lam và sâm nước phát triển khá tốt, cho thu nhập cao gấp 5 đến 6 lần so với trồng các loại cây khác.
Mặc dù diện tích trồng giảo cổ lam, cây sâm nước còn khiêm tốn nhưng đây là hướng đi mới và là cây mang lại thu nhập cao cho xã Trà Nam nói riêng và toàn huyện Nam Trà My đến thời điểm này.
Anh Nguyễn Duy Gấm (thôn 4 xã Trà Nam) cho biết, trước kia, cây lương thực chủ lực của gia đình anh chỉ là cây bắp, cây lúa nên kinh tế vẫn còn rất nghèo. Nhưng từ khi được cán bộ chính quyền địa phương nơi đây tuyên truyền, anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng vườn cây giảo cổ lam.
Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ các cán bộ kỹ thuật của huyện anh dần nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây giảo cổ lam, nên cây không ngừng phát triển, tạo ra nguồn thu nhập hằng ngày tăng nhanh, kinh tếcủa gia đình anh ngày một khấm khá hơn.
Sau khi được cán bộ huyện và xã về tận thôn để tuyên truyền về cây dược liệu, anh bắt đầu vay vốn và mua cây giống giảo cổ lam về trồng.
"Nhờ áp dụng đúng phương pháp kỹ thuật và kiên trì chăm sóc nên cây đã phát triển khá tốt, bước đầu cho tôi thu hồi lại số vốn đã bỏ ra khá nhanh. Gia đình tôi nhờ vào những vườn giảo cổ lam này đã thoát nghèo trong năm 2017 và tôi cũng hy vọng nó sẽ giúp gia đình tôi phát triển kinh tế vững hơn nữa”- anh Gấm chia sẻ.
Tương tự, gia đình anh Hồ Văn Dương (thôn 4 xã Trà Nam) cũng đã cái thiện được tình hình kinh tế gia đình nhờ phát triển vườn sâm nước.
Gia đình anh Hồ Văn Dương bắt đầu trồng sâm nước, trồng sâm Ngọc Linh từ năm 2016. Đến nay sâm Ngọc Linh đã bắt đầu phát triển khá tốt. Bên cạnh đó, tôi cũng đã đầu tư thêm để phát triển thêm cây sâm nước để lấy ngắn nuôi dài.
"Do cây sâm nước phát triển nhanh hơn, bước đầu đã có thu hoạch, trước mắt thu nhập từ cây sâm nước để trang trải trong chi tiêu hằng ngày và mua lại số lượng giống mới để tiếp tục phát triển thêm diện tích. Về dài lâu thì tôi phát triển thêm việc trồng cây sâm Ngọc Linh”- anh Dương nói.
Không chỉ ở xã Trà Nam mà 9 xã còn lại trên địa bàn huyện cũng đã và đang tăng cường ra sức đưa cây dược liệu đến tất cả người dân trên toàn huyện biết đến và phát triển chúng.
Nhờ được thiên nhiên ưu đãi, nên thời tiết nơi đây thích hợp với nhiều loại cây dược liệu. Hiện nay toàn huyện đã đưa vào trồng nhiều loại cây dược liệu như : sâm Ngọc Linh, sâm nam, sâm nước, giả cổ lam, đương quy, sa nhân tím, …
Vui lòng nhập nội dung bình luận.