Ráo riết lập chốt chặn dịch cúm

Trần Thế Thứ ba, ngày 07/03/2017 06:50 AM (GMT+7)
Sau công điện khẩn của Bộ NNPTNT, các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn virus cúm A/H5N6 và các chủng virus cúm gia cầm khác xâm nhập địa bàn.
Bình luận 0

Ngành thú y Bình Dương đã yêu cầu các địa phương tăng cường biện pháp phòng dịch, trong đó siết chặt quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào tỉnh trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (A/H5N1, A/H5N6).

Siết chặt vận chuyển gia cầm…

img

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, tỉnh cần tiêm phòng cho khoảng 20 triệu con gà trong đợt này. Ảnh: Trại gà của anh Nguyễn Văn Hùng (Xuân Lộc, Đồng Nai). Ảnh: T.T

Theo ông Nguyễn Lương Trai-Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn gặp không ít khó khăn do tỉnh có nhiều tuyến đường nhỏ nối với các tỉnh khác. Ngành thú y rất cần người dân hợp tác phát hiện gia cầm chết nghi bị bệnh H5N1 và báo ngay cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, không giấu dịch bệnh, không giết mổ, bán gia cầm bị bệnh, không vứt xác gia cầm bừa bãi.

Theo ông Trần Phú Cường - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bình Dương, tỉnh đang đẩy mạnh công tác phúc kiểm tại 11 chốt kiểm dịch và trạm kiểm dịch động vật Vĩnh Phú. Tại thời điểm này, ngành thú y đặc biệt lưu ý đến công tác kiểm dịch động vật. “Đối với công tác kiểm soát vận chuyển, kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm, đây là một hoạt động hết sức quan trọng. Làm tốt công tác này sẽ ngăn chặn kịp thời các đàn gia cầm không rõ nguồn gốc nhằm hạn chế khả năng làm lây nhiễm virus cúm từ địa phương khác vào Bình Dương” - ông Cường nói.

Chốt kiểm dịch động vật của Trạm thú y TP.Thủ Dầu Một (tại chân cầu Phú Cường) đang hoạt động 24/24 giờ. Mỗi ngày chốt có 3 ca trực, mỗi ca 8 tiếng. Ông Nguyễn Thế Trung - kỹ thuật viên của chốt kiểm dịch cho biết, chốt làm thủ tục kiểm soát cho khoảng 30 - 40 phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua lại. Theo quy định, tất cả các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật bắt buộc phải xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật đang chở khi qua trạm. Cán bộ thú y sẽ kiểm đếm, kiểm tra niêm phong chì cũng như hỗ trợ các chủ phương tiện phun hóa chất khử khuẩn.

Để hạn chế tình trạng lây lan cúm từ các tỉnh, thành khác đến Bà Rịa –Vũng Tàu, tỉnh cũng đang thắt chặt việc kiểm tra, kiểm soát tại 3 chốt kiểm dịch chính trên các quốc lộ: 51 (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành), 55 (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) và 56 (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Tại các chốt này sẽ kiên quyết không cho gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, gia cầm tại các vùng có dịch bệnh vào tỉnh.

Ông Phạm Phi Hùng - Trạm phó Trạm Kiểm dịch động vật huyện Tân Thành cho biết, mỗi ngày có hàng chục lượt xe chở gia cầm vào trạm để kiểm dịch. Khi xe vào trạm, cán bộ sẽ kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch và các giấy tờ liên quan khác; kiểm tra số lượng, chủng loại, sản phẩm động vật, điều kiện vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển, tình trạng sức khỏe động vật, đóng dấu phúc kiểm, ra biên lai thu lệ phí và sau đó sát trùng phương tiện trước khi vào địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiện nay, các loại gia cầm vận chuyển về Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu thông qua Trạm kiểm dịch động vật huyện Tân Thành.

Tiêm phòng và tiêu độc

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh có hơn 3,6 triệu con gia cầm. Trước tình hình cúm gia cầm diễn biến phức tạp, sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống như: Tổ chức tiêm phòng, tiêu độc khử trùng; tăng cường kiểm tra lò mổ, điểm buôn bán gia cầm; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi gia cầm kịp thời báo cáo nếu phát hiện nghi vấn để kịp thời xử lý...

Ông Trần Quang Long - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Long Điền cho biết, hiện ngành thú y huyện đang tổ chức tiêm phòng cho khoảng 170.000 con vịt, ngan trên địa bàn huyện. Đơn vị này cũng cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến đàn gia cầm sau khi tiêm.

Không chỉ cơ quan chức năng lo xảy ra cúm trên địa bàn mà chính các trang trại chăn nuôi gia cầm cũng đang lo lắng. Ông Nguyễn Đức Thuận - chủ trang trại chăn nuôi gà tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) cho biết, trang trại đang vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng. “Nếu để xảy ra cúm gia cầm, trang trại sẽ thiệt hại rất lớn” - ông Thuận cho biết.

Trong khi đó, theo ông Trần Phú Cường, trong tháng 2, đoàn kiểm tra của chi cục đã thực hiện hơn 300 lượt thanh kiểm tra về dịch bệnh trên động vật, sản phẩm động vật, kinh doanh động vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; đã thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại sau mỗi đợt tiêm phòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem