Rùng mình nghe chuyện cắm chông, dao lam chống trộm cau

Công Xuân Thứ bảy, ngày 15/10/2016 19:30 PM (GMT+7)
Tức giận trước việc cau trồng bị hái trộm, có thời gian một số hộ đồng bào Ca Dong ở "thủ phủ cau" huyện miền núi Sơn Tâ, Quảng Ngãi còn sử dụng chông để gài trong khu vực rẫy cau của mình, rồi dùng dao lam bẻ nhỏ cắm vào thân nhằm chống trộm.
Bình luận 0

Vụ năm nay, trái ngược với tình trạng cau trồng bị bỏ mặc cho trái chín rụng đầy gốc như nhiều năm trước đó, giá cau trái hiện đang được mua tại vườn lên gần 21.000 đồng/kg, tương đương với khoảng 100.000 đồng/buồng, gấp đôi so với năm ngoái. Tuy chưa đạt đến kỷ lục, thế nhưng đây là giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

img

Giá cau trái hiện gần 21.000 đồng/kg tươi, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Cùng với niềm vui giá cao, không ít người trồng ở huyện miền núi Sơn Tây bức xúc khi cau trồng bị hái trộm. Ông Đinh Văn Hiu (42 tuổi), ở xã Sơn Dung bực tức: "Cách đây chưa lâu, lợi dụng đêm tối trộm đã lẻn vào vườn cau của gia đình hái trộm hơn 40 buồng".

Cũng như ông Hiu, dù bị trộm thế nhưng số lượng cau bị kẻ gian hái của các gia đình chỉ trị giá vài trăm ngàn đồng nên nhiều hộ không báo với cơ quan chức năng, mà tự bảo vệ cau trồng của mình bằng cách dựng chòi để ngủ canh, rào chắn xung quanh vườn, rẫy, dán bùa trên thân để dọa... Tuy nhiên đáng sợ hơn cả là cách dùng chông gài xung quanh, rồi sử dụng dao lam bẻ nhỏ cắm vào thân cây.

img

Một góc vườn cau của người dân ở Sơn Tây.

Ông V.H, người dân ở xã Sơn Dung xác nhận: " Đó là vào thời điểm cách đây gần 10 năm trước. Lúc đó giá cau lên cao đến mức mỗi buồng khi hái bán có thể mua được nửa chỉ vàng nên nạn trộm cau khá dữ dội. Một số gia đình trồng nhiều cau, với số lượng lên đến cả ngàn cây nên chỉ trong vòng 1 đêm, bị trộm lẻn vào vườn rẫy và bẻ hái 30-50 buồng, tính ra mất tương đương cả chục cây vàng".

Quá bức xúc và tiếc của cho nên một số hộ trồng cau đã dùng cách trên để bảo vệ. Theo đó nhiều đối tượng trộm đã bị trọng thương vì đạp chông, dao lam cắt nát da thịt. "Còn bây giờ tuy vẫn xảy ra tình trạng hái trộm nhưng chỉ thấy người dân dùng tre, nứa rào chắn, dựng chòi để ngủ đêm canh giữ... chứ không biết có sử dụng cách gài chông, cắm dao lao như ngày trước nữa không", ông VH cho biết.

img

Cau thu mua đang được chuẩn bị chở về để bán cho các cơ sở chế biến.

Trao đổi với P.V báo Dân Việt, ông Đinh Quang Ven, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây xác nhận: "2 năm nay cau được giá nên trên địa bàn xảy ra nạn hái trộm cau, nhưng số lượng không nhiều. Chính quyền huyện đã chỉ đạo cho lực lượng chức năng và chính quyền các xã tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát; đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng trộm cau của người dân"

Riêng về việc người dân cài chông, cắm dao lam trên thân cau để chống nạn trộm cau, Thiếu tá Nguyễn Văn Chiến, Đội trưởng CSHS-Công an huyện Sơn Tây cho biết: "Đến thời điểm này chưa nghe trình báo có ai thương tích do bị chông, hay dao lam của người dân cài, cắm ở vườn rẫy cau. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin này".

img

img

Chòi và bùa mà người dân Sơn Tây dựng, dán để chống trộm.

Với tổng diện tích toàn huyện hiện ước khoảng 1.000 ha, Sơn Tây được gọi là thủ phủ cau ở Quảng Ngãi. Với giá cau cao của vụ năm nay, tiền bán cau trái đã mang lại thu nhập tốt cho người dân thiểu số người Ca dong Sơn Tây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem