Sau bài: “Nhà máy chậm thu mua, mía trổ cờ”: Quy hoạch lại vùng trồng mía

Thứ ba, ngày 11/03/2014 10:41 AM (GMT+7)
Trước việc một số nhà máy mía đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chậm thu mua mía đã khiến ruộng mía của nhiều hộ dân trổ cờ, lãnh đạo tỉnh này cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ có giải pháp quy hoạch lại vùng trồng mía.
Bình luận 0
Thanh toán nợ cho nông dân

Theo báo cáo của Sở NNPTNT Thanh Hóa, niên vụ 2013 – 2014, toàn tỉnh trồng được 33.383ha mía, năng suất ước đạt 65 tấn/ha, sản lượng khoảng 2,17 triệu tấn. Căn cứ vào các giống mía, tỉnh đã cơ cấu 35% giống chín sớm, 45% giống chín trung bình, 25% giống chín trung bình muộn và muộn. Khảo sát tại 3 vùng mía nguyên liệu cho thấy, hầu hết các vùng đều xảy ra hiện tượng mía trổ cờ.

Mía nguyên liệu ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đang trổ cờ trắng ruộng.
Mía nguyên liệu ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đang trổ cờ trắng ruộng.

Ông Đặng Thế Giang – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Lam Sơn cho biết: “Riêng vùng Lam Sơn có 30% giống mía chín sớm, 45% giống mía chín trung bình và 25% mía chín muộn. Mặc dù kế hoạch là như vậy, nhưng hiện nay chúng tôi cũng không biết vùng giống mía chín sớm hay chín muộn nằm ở đâu.

Theo khung thời vụ ép mía, tốt nhất là từ 120 – 130 ngày, nên đến nay, công ty đã thu mua được 790.000 tấn, còn lại 250.000 tấn. Như vậy, niên vụ này nhà máy sẽ kết thúc vụ ép khá sớm (chỉ khoảng 110 ngày). Điều này rất có lợi cho người trồng mía, nhưng lại gây bất lợi cho công nhân nhà máy vì kết thúc sớm thì sẽ hết việc làm.

Cũng theo ông Giang, trên địa bàn có địa hình phức tạp nên việc quy hoạch vùng nguyên liệu mía rất khó, vì vậy công ty sẽ giảm xuống còn 14.000ha mía để tiện quản lý. Tuy nhiên, quy hoạch thế nào cho phù hợp thì cần sự vào cuộc của các cấp, ngành địa phương và người trồng mía. Ông Giang cho hay, tuần này công ty sẽ thanh toán ít nhất 80% số nợ còn lại cho nông dân (gần 200 tỷ đồng).

Giảm diện tích mía

Ông Lý Thế Minh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường mía Việt – Đài cho biết thêm: “Vùng nguyên liệu của công ty đang có khoảng 700ha mía trổ cờ, khiến chữ đường giảm nhưng không đáng kể. Theo dự kiến, nhà máy sẽ kết thúc ép vào 25.4”.

Chủ trương của tỉnh Thanh Hóa là năm tới sẽ giảm diện tích mía xuống còn 30.000ha, năng suất trung bình đạt 72 tấn/ha trở lên, sản lượng mía nguyên liệu đạt trên 2,2 triệu tấn.

Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 34.000ha mía nguyên liệu, chủ trương của tỉnh này là năm tới sẽ giảm diện tích mía xuống còn 30.000ha, năng suất trung bình đạt 72 tấn/ha trở lên, sản lượng mía nguyên liệu đạt trên 2,2 triệu tấn, số diện tích còn lại sẽ chuyển sang trồng cây khác.

Về điều này, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Mía là một trong những cây trồng chính (chỉ sau cây lúa) đem lại lợi ích kinh tế kép, đồng thời là nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp chế biến của tỉnh. Vì vậy việc trồng mía, tổ chức thu mua… là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành đối với cả doanh nghiệp và nông dân”.

Cũng theo ông Quyền: “Hiện tượng mía trổ cờ hiện nay là rất bình thường và đúng quy luật phát triển của cây mía (hiện ở mức cho phép). Để giảm thiểu tình trạng này, yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các cấp, ngành bố trí cơ cấu giống, quy hoạch các vùng nguyên liệu cho phù hợp, đưa tiến bộ khoa học vào quá trình trồng và chăm sóc cây mía”.
Hoài Thu -Hồng Đức (Hoài Thu -Hồng Đức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem