Sơn La: 3 huyện công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Quốc Định Thứ ba, ngày 04/06/2019 09:01 AM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, thời gian vừa qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách để ngăn chặn bệnh dịch này.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tỉnh Sơn La, tính đến nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở 110 thôn, bản, tiểu khu và 46 xã, thị trấn, phường, thuộc 12/12 huyện, thành phố. Tổng số đàn lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 5.242 con.

img

Lợn mắc bệnh dịch được thu gom tiêu hủy để tránh dịch bệnh lan rộng.

Sơn La là tỉnh miền, địa bàn rộng tiếp giáp với nhiều tỉnh và có đường biên giới với nước bạn Lào, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác, trình độ dân trí không đồng đều. Điều đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên địa bàn thời gian vừa qua.

Được biết, ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên xuất hiện ở Sơn La vào ngày 11/3, tại một gia đình người dân tộc Mông ở xã Mường É (huyện Thuận Châu), sau đó dịch lan rộng ra nhiều khu vực tại nhiều địa phương, rồi bùng phát thành dịch, lan rộng 12/12 huyện, thành phố.

img

Công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Sơn La.

Nói về những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi Cục trưởng Cục thú y Sơn La, chia sẻ: Do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, bà con còn có thói quen nuôi lợn thả rông, khi lợn ốm hoặc chết không báo cáo kịp thời cho chính quyền và thú y, một số địa phương tiêu hủy lợn chưa kịp thời, chưa triệt để.

Đặc biệt, một số địa phương chưa chủ động giám sát, nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh không chính xác, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch. Một phần do trình độ nhận thức và tâm lý tiếc của của người chăn nuôi nên dẫn đến một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân giấu lợn, vận chuyển đi nơi khác hoặc mổ thịt chia nhau...

img

Lợn bị dịch tả được đem tiêu hủy theo quy định.

Theo ông Toàn, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, vừa qua thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La, ngành thú y tỉnh đã tích cực bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình dịch bệnh, phát hiện dịch kịp thời để xử lý. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức người chăn nuôi và triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tiến hành lập chốt kiểm dịch tại nơi xuất hiện dịch. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện rắc vôi bột khử trùng chuồng trại, xung quanh khu vực chăn nuôi, sử dụng các trang thiết bị phòng dịch.

img

Sơn La có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, người dân vẫn còn thói quen chăn nuôi nhỏ, lẻ, thả rông nên khiến công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, đơn vị còn phân công cán bộ, nhân viên thú y theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh tại cơ sở, tích cực hướng dẫn người dân phòng dịch bệnh. Chỉ đạo tiêu hủy hết số lợn tại các địa phương có dịch. Hướng dẫn vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ đúng quy định. Khuyến cáo người dân chăn nuôi nhỏ, lẻ, giảm đàn chuyển sang chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, thủy sản…

Đặc biệt là tại những vùng chưa có dịch khuyến cáo người chăn nuôi có lợn trưởng thành thực hiện giết mổ tiêu thụ lợn khỏe để hạn chế thiệt hại khi có dịch xảy ra.

img

Công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.

Vận động người dân tham gia chăn nuôi liên kết tập trung thực hiện theo phương pháp an toàn sinh học. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vứt xác lợn ra ngoài môi trường, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn không tuân thủ quy định.

Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, các giải pháp phòng, chống dịch của tỉnh Sơn La đã đem lại những kết quả tích cực. Trong số 12/12 huyện, thành phố công bố có dịch, tính đến nay Sơn La đã có 3 huyện (Yên Châu, Quỳnh Nhai, Bắc Yên) và 17/46 xã công bố hết dịch. Hiện còn 9 huyện và 29 xã, thị trấn đang tồn tại dịch tả lợn châu Phi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem