SRI giúp lúa tăng năng suất

Thứ năm, ngày 10/05/2012 07:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện Bộ NNPTNT đã tiến hành mở rộng mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại các tỉnh phía Nam. NTNN đã phỏng vấn TS Ngô Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) về những tác dụng của mô hình này.
Bình luận 0

Ông Dũng cho biết: SRI là phương pháp canh tác dựa trên các nguyên tắc/kỹ thuật phù hợp giúp cho cây lúa phát triển một cách tốt nhất. Thực tế, khi áp dụng SRI, cây lúa có bộ rễ phát triển tốt hơn, đẻ nhiều nhánh, mỗi nhánh cho nhiều bông, mỗi bông có nhiều hạt, hạt lúa phải to và chắc.

img
Canh tác lúa theo phương pháp SRI sẽ cho năng suất, hiệu quả cao.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, SRI là phương pháp quan trọng và cần thiết bên cạnh phương pháp truyền thống và các phương pháp trồng lúa khác. Ở Việt Nam, kết quả áp dụng SRI cho thấy kết hợp giảm chi phí và tăng năng suất, nông dân có thể tăng thu nhập từ 1,8- 3,5 triệu đồng/ha/vụ.

Tiến sĩ có thể cho biết rõ hơn về thực trạng và kế hoạch phát triển SRI ở VN?

- Hiện cả nước có gần 200.000ha lúa gieo trồng theo SRI với khoảng 1 triệu nông dân tham gia ở hơn 20 tỉnh, thành. Chúng tôi phấn đấu, mỗi xã trồng lúa nước ở các tỉnh phía Bắc có được một nhóm nông dân nòng cốt về SRI để hướng dẫn, giúp đỡ nhiều bà con nông dân trong xã có cơ hội ứng dụng SRI, nhằm giúp họ thu được nhiều lúa gạo, giảm chi phí sản xuất, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và sẵn sàng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng SRI vẫn còn gặp nhiều khó khăn dù tính hiệu quả của nó đã được khẳng định, nguyên nhân vì sao, thưa ông?

- Điều này liên quan đến năng lực tổ chức tập huấn của cán bộ cho người nông dân. Hiện nay, việc đưa SRI vào sản xuất chủ yếu thông qua hệ thống khuyến nông BVTV, còn hệ thống khuyến nông chính thức chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ.

Vì thế, để đẩy mạnh ứng dụng SRI, cần có kế hoạch dài hơi để đào tạo phương pháp tiếp cận, tập huấn SRI cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, đặc biệt là hệ thống khuyến nông cơ sở. Muốn vậy, chúng ta không thể làm một sớm một chiều mà cần có thời gian, kinh phí, con người, nhất là cần những chính sách cụ thể, sát thực hơn của Nhà nước để số lượng nông dân tiếp cận SRI tăng nhanh hơn, hướng đến nền sản xuất hiện đại, bền vững.

5 nguyên tắc của SRI:

Để cây lúa mọc khỏe và cho năng suất cao, bà con cần thực hiện theo 5 nguyên tắc sau:

1.Cấy mạ non, cấy 1 dảnh, cấy thưa.

2. Đất được giữ đủ ẩm, thay vì để nước liên tục trong ruộng.

3. Làm cỏ ít nhất 3 lần vào 10- 12 ngày, 25- 27 ngày và 40- 42 ngày sau cấy.

4. Bón phân chuồng hoai mục 200 – 300 kg/sào trước khi bừa lần cuối.

5. Bón thêm phân đạm, lân, kali theo nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa.

Ở các tỉnh miền Bắc, SRI được phát triển khá mạnh mẽ. Ông có thể cho biết tương lai ứng dụng SRI ở các tỉnh phía Nam?

-Từ những năm 2004 - 2005, chúng tôi đã đưa SRI vào một số tỉnh phía Nam như: Sóc Trăng, Cần Thơ… và một số tỉnh miền Trung như Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… ứng dụng trên các diện tích lúa cấy. Tuy nhiên, do các điều kiện canh tác có sự khác biệt nên phương pháp này chủ yếu được các cơ sở nhân giống ứng dụng. Kết quả ban đầu rất khả quan và chứng minh được tính ưu việt vốn có của nó.

Theo tôi, cơ hội mở rộng SRI ở các tỉnh phía Nam là rất lớn. Tuy vậy, việc ứng dụng sẽ phải hết sức linh hoạt, đặc biệt là điều tiết nước và giảm mật độ gieo. Hiện Cục BVTV cũng đã tiến hành hàng loạt thực nghiệm ứng dụng SRI đối với lúa gieo thẳng và kết quả rất khả quan.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem