Tái định cư - ngăn ngừa thảm họa thiên tai (kỳ cuối): Xây dựng công cụ cảnh báo thiên tai sớm

Anh Thơ Chủ nhật, ngày 29/03/2020 20:25 PM (GMT+7)
Theo TS Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), trong giai đoạn 2021 - 2030 vẫn còn hơn 335.000 hộ dân ở vùng có nguy cơ thiên tai, sạt lở, đặc biệt khó khăn… cần được sắp xếp, ổn định chỗ ở. Để thực hiện được nhiệm vụ này, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và phải xây dựng được công cụ cảnh báo thiên tai sớm.
Bình luận 0

Có ý nghĩa nhân văn sâu  sắc

Sau 8 năm thực hiện Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có hàng chục nghìn hộ dân được ổn định chỗ ở, giảm thiểu những nguy cơ, tác động bởi thiên tai, sạt lở, lũ lụt. Ông đánh giá như thế nào về chương trình này?

- Có thể thấy, những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khó lường và phức tạp. Đã có những trận lũ ống, lũ quét chỉ trong phút chốc khiến cả một thôn, bản tan hoang dù trước đó họ chưa bao giờ phải chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng như vậy.

Những trận lũ quét kinh hoàng ở Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa… xảy ra trong một vài năm trở lại đây chỉ trong phút chốc đẩy người dân vào tình cảnh màn trời chiếu đất, mất người thân cho thấy việc chủ động dự báo, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm là nhiệm vụ cấp bách.

img

Cuộc sống của người dân tại khu tái định cư của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: A.T

"Để bố trí, sắp xếp dân cư ở những vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn một cách hiệu quả, trong giai đoạn tới, chúng ta cần đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương; trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp như hiện nay, không thể làm ồ ạt dàn trải như giai đoạn trước. Các địa phương cần sắp xếp lựa chọn các vùng tái định cư, trong đó phải ưu tiên các dự án mang tính cấp thiết, hiệu quả cao”.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Trần Thanh Nam

Quyết định 1776 ra đời chính là để giúp người dân ổn định cuộc sống, giảm nhẹ thiệt hại cho thiên tai, tránh được đến mức thấp nhất những thảm họa thiên tai.

Theo đó, trong giai đoạn 2013 - 2020, cả nước đã bố trí, sắp xếp ổn định được 105.352 hộ dân ở những vùng có nguy cơ thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do và rừng đặc dụng, đạt 66% so với mục tiêu chương trình đề ra; trong đó riêng vùng thiên tai bố trí sắp xếp ổn định được 70.192 hộ.

Có thể thấy, dù chưa đạt được mục tiêu đề ra do ngân sách còn hạn hẹp nhưng chương trình đã giúp hàng chục nghìn hộ có cuộc sống ổn định, không phải nơm nớp sống trong cảnh lo sợ.

Phần lớn những người dân được chuyển đến nơi ở mới đều cảm thấy hài lòng vì mọi điều kiện đều tốt hơn nơi ở cũ khi quá trình thực hiện bố trí ổn định dân cư các địa phương đều cố gắng hoàn thiện hệ thống hạ tầng đảm bảo các tiêu chí của xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ được bố trí sinh sống trong những ngôi nhà khang trang, xây dựng theo đúng tiêu chuẩn và nguyện vọng, người dân còn được bố trí đất sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, y tế, giáo dục đều được chăm lo.

Nhưng quan trọng hơn, việc bố trí sắp xếp dân cư sẽ giúp người dân tránh được những thảm họa thiên tai đáng tiếc. Tôi lấy ví dụ về một số khu dân cư ở Hòa Bình, Phú Thọ, ngay khi có nguy cơ xuất hiện sạt lở, chính quyền địa phương, ngành chức năng lập tức thực hiện di dời dân cư nên không có thiệt hại về người, người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Phải khẳng định, mọi mục tiêu của chương trình, điều hướng đến đầu tiên là vì sự an toàn, chất lượng cuộc sống của người dân.

Dù ở một vài địa phương vẫn còn tình trạng đầu tư lãng phí, dàn trải, gây bức xúc dư luận nhưng đánh giá một cách toàn diện chương trình bố trí, sắp xếp dân cư đã được nhân dân, các cấp ngành đồng tình ủng hộ, góp phần ổn định xã hội và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Hóa giải hai hạn chế lớn

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình, nhiều địa phương gặp khá nhiều khó khăn do hạn chế về vốn, quỹ đất và cả những định mức hỗ trợ không còn phù hợp với thực tế. Theo ông, cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

- Thiếu vốn và quỹ đất là hai trong số nhiều nguyên nhân khiến mục tiêu của chương trình chưa đạt được như mong muốn.

Dù nhu cầu bố trí ổn định dân cư ở các địa phương, nhất là vùng miền núi phía Bắc, ven biển ngày càng lớn do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan nhưng giai đoạn vừa qua, do nguồn lực của Nhà nước có hạn nên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu vốn của các địa phương.

Đó là chưa kể, định mức hỗ trợ người dân khi di dời cho đến thời điểm này đã không còn phù hợp. Ví dụ quy định hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai nếu di chuyển nội vùng dự án thì mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/hộ nên chưa động viên được người dân xây dựng nhà tại nơi tái định cư, trong khi những hộ thuộc diện di chuyển phần lớn là hộ nghèo.

Để hóa giải những khó khăn về vốn và quỹ đất, thay vì xây dựng các khu tái định cư tập trung, nhiều địa phương thực hiện bố trí dân cư theo hình thức xen ghép. Thực tế, cách làm này đã phát huy hiệu quả tại nhiều địa phương như Hà Giang, Yên Bái, Sơn La…

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã rà soát các điểm bố trí dân cư thực sự phải đầu tư, tập trung đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải; đồng thời bố trí thêm ngân sách địa phương và lồng ghép nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dứt điểm các dự án, đưa dân đến sinh sống, ổn định đời sống lâu dài.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, sẽ có nhiều hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm phải sớm được bố trí sắp xếp. Vậy theo ông, trong giai đoạn tới, chương trình bố trí dân cư triển khai như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất?

- Theo báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2021 - 2030 cả nước cần bố trí, sắp xếp ổn định cho 335.000 hộ dân ở các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo… Đây là số lượng dân cư cực lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc tích cực.

Hiện Bộ NNPTNT đang thực hiện tổng kết hiệu quả thực hiện chương trình trong giai đoạn trước, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương tiếp tục đưa ra các giải pháp cho giai đoạn sau sao cho việc bố trí, ổn định dân cư đạt được hiệu quả cao nhất, huy động tốt các nguồn lực để giúp người dân tránh được những mối nguy do thiên tai gây ra.

Theo tôi, điều cấp thiết nhất là ngành chức năng cần xây dựng được công cụ cảnh báo thiên tai sớm để người dân phòng tránh và có phương án di chuyển kịp thời.

Đối với việc bố trí nguồn vốn các dự án, thay vì đầu tư dàn trải, trong giai đoạn tới chúng tôi xác định ưu tiên cho những dự án, công trình cấp bách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm ở những nơi có số dân cư cần phải di dời lớn. Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị nâng định mức hỗ trợ tái định cư cho người dân sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, việc tranh thủ nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là hết sức quan trọng để hoàn thiện các công trình hạ tầng tại các khu tái định cư, đồng thời hỗ trợ người dân phát triển sản xuất để hạn chế thiệt hại thiên tai, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Xin cảm ơn ông!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem