Tai nạn rình rập người chăn nuôi

Thứ ba, ngày 17/09/2013 07:11 AM (GMT+7)
Ngạt khí biogas, các tai nạn về điện, các bệnh về đường hô hấp... là những nguy cơ mà người chăn nuôi ở khu vực nông thôn có thể gặp phải. Tuy nhiên, rất ít người chăn nuôi trang bị bảo hộ lao động và để ý phòng tránh tai nạn.
Bình luận 0
Chưa quan tâm tới bảo hộ

Làm việc trong môi trường nhiều phân, rác và tiếp xúc với máy thái, máy nghiền thức ăn để chăn nuôi lợn 500 con lợn ở xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội), nhưng anh Vũ Mạnh Hà, 29 tuổi, không hề sử dụng bất cứ thiết bị bảo hộ lao động (BHLĐ) nào. Bước chân vào khu chăn nuôi, dù đeo khẩu trang, chúng tôi vẫn sốc vì mùi xú uế khá nặng. Anh Hà cho biết: “Công việc của tôi là dọn dẹp chuồng trại, cho lợn ăn, theo dõi sinh trưởng của lợn. Làm mãi cũng quen, đeo khẩu trang, găng, ủng thấy vướng víu lắm…”.

Hiện rất ít người chăn nuôi trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.
Hiện rất ít người chăn nuôi trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.

Trường hợp của anh Hà khá phổ biến trong lĩnh vực chăn nuôi. Theo số liệu điều tra của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) mới đây, có tới 92,6% số hộ chăn nuôi được điều tra muốn được trang bị BHLĐ, nhưng vì điều kiện kinh tế còn quá khó khăn nên tự bản thân chưa trang bị đồng bộ BHLĐ cho mình được (71,5%). Và thực tế là chỉ khoảng 1,5% người chăn nuôi có BHLĐ đầy đủ.

Trong khi đó, theo Cục Chăn nuôi, ở quy mô chăn nuôi lớn, người lao động phải đối mặt với những nguy cơ tai nạn khi thực hiện các công việc chế biến thức ăn như sử dụng máy thái cỏ, máy nghiền viên, máy trộn thức ăn TMR, vận hành các loại máy vắt sữa, máy sấy, quạt sưởi, quạt mát, hầm biogas... Riêng trong lĩnh vực thiết kế và vận hành hầm biogas, đã có nhiều cái chết thương tâm vì ngạt khí.

Trong đó, vụ tai nạn làm chết 3 người trong gia đình ông Huỳnh Minh Tuồng ở xã Tân Bình (Châu Thành, Đồng Tháp) là thương tâm nhất. 2 con trai ông Tuồng xuống kiểm tra hầm khí biogas ở chuồng lợn sau nhà thì bị ngạt chết; sau đó cháu nội ông Tuồng xuống cứu cũng tử vong.

Cần có hỗ trợ về kiến thức

Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, cả nước có khoảng 20 triệu lao động tham gia sản xuất chăn nuôi, với quy mô từ hộ gia đình tới trang trại. Người chăn nuôi hàng ngày tiếp xúc với tai nạn lớn hơn do sử dụng nhiều máy móc, do tiếp xúc với vật nuôi nhiều hơn (bởi quy mô sản xuất lớn, số đầu con nhiều), tiếp xúc với các hoá chất sát trùng, các loại vaccin nhiều hơn.

Ngành NNPTNT đã đặt mục tiêu, số lượng lao động trong chăn nuôi được tập huấn các kỹ thuật BHLĐ đến năm 2015 đạt 80% và năm 2020 đạt 100%. Nâng số cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động lên 60% năm 2015 và 60% năm 2020.


Ngoài ra, các loại bệnh tật cũng luôn rình rập người chăn nuôi. Cụ thể: Môi trường chuồng trại, bãi chăn thả trong chăn nuôi thường xuyên có chất thải nên khá ẩm ướt, ngoài ra còn một lượng lớn các khí độc chuồng nuôi như H2S, NH3, CH4...; các loại bụi vô cơ, bụi hữu cơ, bụi lông... dẫn đến người chăn nuôi thường mắc các bệnh nghề nghiệp như nấm da, nấm đầu, lở ngứa, hắc lào, đau mắt, các bệnh về đường ruột, đường phổi... Thậm chí lao động còn có thể mắc một số bệnh nguy hiểm như sẩy thai, truyền nhiễm, lao...

Bởi vậy, việc tuyên truyền về an toàn lao động, phòng chống bệnh tật trong lĩnh vực chăn nuôi hiện đang trở nên cấp bách. Trong đó trọng tâm là các địa phương cần tuyên truyền sử dụng BHLĐ cho người chăn nuôi, tập huấn để họ tuân thủ đúng các quy trình lao động, vận hành máy móc, sử dụng hóa chất, tiếp xúc với nhiều giống vật nuôi mới.

Nguyễn Trang (Nguyễn Trang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem