Tây Ninh: Dân ngóng hỗ trợ hàng trăm ha mì bị cày bỏ, mía bị cháy

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 06/12/2017 12:08 PM (GMT+7)
Tại Tây Ninh, nhiều hộ nông dân không chấp hành cày bỏ diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá thì thu hoạch được 30 – 40 triệu đồng/ha, trong khi các hộ chấp hành khuyến cáo dập dịch thì đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ.
Bình luận 0

Đó là một trong những lý do khiến người nông dân vô cùng bức xúc và sự tréo ngoe này đã được cử tri tỉnh Tây Ninh nêu ra tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Tây Ninh khóa 9, khai mạc ngày 6.12, đề nghị các cấp chính quyền sớm giải quyết.

Theo một cử tri (xin giấu tên) ở xã Phước Vinh (huyện Châu Thành), thời gian qua chính quyền địa phương đã vận động người dân cày bỏ nhiều diện tích trồng mì (sắn) để dập dịch bệnh khảm lá. Người dân được thông báo hỗ trợ từ 4 triệu đồng/ha, sau giảm xuống còn 2 triệu/ha, nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ.

img

Nông dân Tây Ninh tiến hành tiêu hủy cây mì bị lây nhiễm bệnh khảm lá. Ảnh: Minh Dương.

Trong khi đó, một số hộ không chấp hành cày bỏ, nay thu hoạch củ lại bán được 30 – 40 triệu đồng/ha. “Tình trạng này cho thấy người chấp hành cày bỏ thì thiệt thòi, người không chấp hành thì có lời. Đề nghị chính quyền và sở ngành sớm trả lời, giải quyết cho nông dân”, cử tri này nói.

Trong năm vừa qua, hàng loạt diện tích trồng mì của tỉnh Tây Ninh bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus gây ra bệnh khảm lá nhưng không có thuốc đặc trị; đến nay diện tích mì bị thiệt hại lên đến 5.862ha.

img

Việc chậm trễ trong hỗ trợ kinh phí gây bức xúc cho nông dân trồng mì. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tương tự, ông Lê Hoàng Tuấn ở xã Đồng Khởi cho biết, gia đình mình có 5,5 công mía gần đến tuổi thu hoạch thì bị cháy. Lúc này nhà máy đường Thành Thành Công chưa hoạt động nên ông đã gửi 42 tấn mía đến nhà máy đường Nước Trong.

Nhà máy này đo chữ đường chỉ đạt 3,5 độ. Giá bán mía hiện chỉ được 345.000 đồng/tấn trong khi chi phí trả công thu hoạch, vận chuyển và trừ mía cháy hết 360.000 đồng/tấn. Ông Tuấn đề nghị xem xét, chấn chỉnh lại việc đo chữ đường tại nhà máy Nước Trong để giúp người dân an tâm sản xuất.

Cuối tháng 11, tuy chưa bước vào vụ thu hoạch chính thức, nhưng ước tính, tại vùng nguyên liệu mía của các nhà máy đường trên tỉnh Tây Ninh đã có gần 500ha mía bị cháy, thiệt hại ban đầu của nông dân lên đến hàng chục tỷ đồng.

img

Ước tính, tại các vùng nguyên liệu mía của các nhà máy đường trong tỉnh có gần 500 ha mía bị cháy. Ảnh minh hoạ

Theo tính toán của bà con, lượng mía bị cháy nếu được thu hoạch đưa về nhà máy để chế biến kịp thời (trong vòng 3 ngày trở lại) thì ít bị thiệt hại hơn nhiều. Còn sau 3 ngày, trọng lượng mía và chữ đường sẽ giảm đáng kể (chữ đường chỉ còn 2 hoặc 3 CCS). Thậm chí, nhà máy đường không nhận do lượng đường trong cây mía đã lên men, khiến người trồng mía bị trắng tay.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh đang gấp rút điều tra nguyên nhân gây cháy mía, các công ty mía cũng tranh thủ hoạt động sớm hơn dự kiến để ưu tiên tiêu thụ kịp thời nguồn mía cháy, nhằm giảm bớt thiệt hại cho nông dân.

img

Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tây Ninh khóa 9. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngoài ra, các vấn đề khai thác cát lậu trên sông Vàm Cỏ và lòng hồ Dầu Tiếng; tình trạng quy hoạch treo dự án nhà máy chế biến rau, củ, quả xuất khẩu… làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cũng nhiều cử tri trình bày.

Năm 2017, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của Tây Ninh ước đạt 45.000 tỷ đồng. Giá trị nông, lâm, thủy sản ước đạt 25.717 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội 2017 của HĐND tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tuy đạt nhiều kết quả nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp chưa đạt kế hoạch. Các mô hình chuyển đổi tiêu thụ còn bấp bênh, liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn chậm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem