Thay đổi nhận thức từ nhà vệ sinh giá rẻ

Thứ sáu, ngày 19/10/2012 08:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chỉ từ những vật liệu đơn giản, sẵn có là cây ngô, lá mía, tre nứa..., nhiều hộ đồng bào dân tộc ở xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh (Hà Giang) đã có được một nhà tiêu rất hợp vệ sinh, không tốn kém và hữu dụng.
Bình luận 0

Đơn giản nhưng hữu ích

Làm nhà vệ sinh giá rẻ là một hợp phần quan trọng trong Dự án "Vì em là con gái" - một chương trình nước sạch vệ sinh môi trường (NSVSMT) tại Hà Giang được chính phủ các nước Đức - Pháp - Anh tài trợ thông qua Tổ chức phi chính phủ Plan, với ngân sách là 2,6 triệu USD trong vòng 4 năm (từ 2011 - 2015). Chương trình có 5 hợp phần, trong đó nhấn mạnh vào việc thay đổi hành vi vệ sinh - nước sạch cho trẻ em và cộng đồng, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ.

img
Bố con anh Vàng Mí Chơ bên nhà vệ sinh giá rẻ.

Ông Nguyễn Văn Thoan - Chủ tịch Hội Nông dân, chủ Dự án NSVSMT xã Hữu Vinh cho biết: Trước đây, đã có nhiều dự án liên quan đến môi trường được triển khai tại xã nhưng chủ yếu là được cho không kinh phí với số lượng có hạn và chỉ một số ít hộ diện đặc biệt được thụ hưởng. Tuy nhiên, do không làm thay đổi được nhận thức nên nhiều nhà vệ sinh xây rồi bị bỏ hoang, người dân không dùng vì vẫn quen với việc tiêu tiểu tự do. Còn với nhà vệ sinh giá rẻ này, người dân không được cho bất kỳ một đồng nào, mà chỉ "tài trợ" các khoá đào tạo, hướng dẫn và giúp thay đổi nhận thức….

Ban đầu, khi được vận động, chỉ có một vài hộ trong xã đăng ký đi học lớp "làm nhà vệ sinh giá rẻ bằng vật liệu tự có tại địa phương". Lớp học do chính cán bộ của thôn, xã và Hội Nông dân, cùng điều phối viên Dự án NSVSMT của Plan hướng dẫn. Vật liệu được sử dụng vào làm nhà vệ sinh là từ thân cây ngô - thay gạch xây tường bao, lá mía, lá cọ - thay ngói lợp mái; ngoài ra, hố phân được đào sâu khoảng 1m, cao 1m, vì không "tự hoại" nên khi hố phân đầy, nhà tiêu sẽ được lấp lại và di chuyển phần khung sang địa điểm khác. Ông Thoan cho hay: "Do cách làm đơn giản, chỉ cần 2 ngày là có thể dựng được 1 nhà tiêu giá rẻ, với gia đình khoảng 4 - 5 người thì có thể dùng trong vòng 2 năm mới phải di chuyển".

Hướng đến thay đổi nhận thức...

Từ ngày dựng được nhà vệ sinh sau vườn, gia đình anh Vàng Mí Chơ - người dân tộc Mông ở thôn Mon Vả (Hữu Vinh) đã không còn cảnh "cứ buồn" là từ người già đến trẻ con trong nhà phải lọ mọ ra bờ suối, hốc đá gần đó để… giải quyết. Anh Chơ cười vui vẻ: "Chẳng mất đồng nào, tiện và sạch lắm, cứ khoảng hơn 1 năm là có thể "bê" nhà tiêu sang chỗ khác được".

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Văn phòng Dự án Plan tại Hà Giang cho biết: “Làm nhà vệ sinh giá rẻ bằng vật liệu tự có dựng lên trông xoàng xĩnh và tạm bợ. Nhưng “méo mó có hơn không”, đó đã là cả công trình lớn trong việc thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao”.

Chị Thào Thị Vá - một trong những gia đình tham gia làm nhà vệ sinh giá rẻ cho biết: "Làm nhà tiêu như thế này tiện lắm, khi nào cây ngô hỏng, lá mía mục chỉ việc thay mới. Trẻ con không còn sợ ra bờ sông, bờ suối, bụi rậm rồi trượt chân ngã, bị rắn cắn…”. Vẫn theo ông Thoan, thấy công dụng của việc xây nhà tiêu vừa sạch sẽ mà lại không tốn một đồng nào, nên nhiều hộ đã làm theo.

Sau 1 năm triển khai, giờ thì 8 xã của huyện Yên Minh đã có 50 gia đình làm được nhà vệ sinh theo mô hình này, trong đó riêng xã Hữu Vinh có 39 cái. Trong thời gian tới, chương trình làm nhà vệ sinh giá rẻ dự kiến sẽ "phủ kín" các xã, huyện nghèo của tỉnh Hà Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem