Thiên tai đã cuốn đi 3 tỷ USD năm 2017

Đình Thắng Thứ năm, ngày 29/03/2018 11:54 AM (GMT+7)
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai tổ chức hôm nay (29.3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ trì hội nghị.
Bình luận 0

Mưa, bão lũ kỷ lục

Đánh giá về tình hình thiên tai năm 2017, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, Năm 2017 là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên biển Đông, trong đó bão số 10, số 12 đổ bộ vào khu vực Bắc và Nam Trung Bộ và bão số 16 đi qua quần đảo Trường Sa với sức gió trên cấp 11- 12 giật cấp 13-15 (rủi ro thiên tai cấp độ 4).

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ trì hội nghị  toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai tổ chức hôm nay (29.3).

Năm 2017, là năm có tổng lượng mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi mưa lớn hơn trung bình nhiều năm khoảng 20 đến 40%, trong đó đợt mưa lớn diện rộng cuối mùa vào giữa tháng 10 tại khu vực Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình với tổng lượng từ 400 đến trên 600mm, trong khi các hồ đã đầy nước, dẫn đến việc phải xả lũ khẩn cấp, lần đầu tiên hồ Hòa Bình đã phải xả cấp tập 8 cửa đáy, xuất hiện đợt lũ vượt mức lịch sử từ 0,5 đến 1,0m tại một số sông trong khu vực làm ngập lụt trên diện rộng và xảy ra 244 sự cố /90km của hệ thống đê điều.

img

Năm 2017 là năm có số lượng bão kỷ lục với 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới xuất hiện và hoạt động trên biển Đông. Ảnh IT

Mưa lũ đặc biệt lớn (xấp xỉ mức lịch sử) sau bão số 12 vào đầu tháng 11.2017 tại các tỉnh miền Trung (với tổng lượng nước trong đợt khoảng 19,0 tỷ m3 nước), đã gây ngập sâu tại nhiều tỉnh và thành phố Huế, thị xã Hội An đúng vào tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC; một số nơi ở Nam Trung Bộ ngập lụt sâu kéo dài trên một tháng.   

Năm 2017, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh miền núi tại huyện Mường La (Sơn La), Mù Căng Chải (Yên Bái) vào đầu tháng 8; tại các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, TP Hoà Bình (Hòa Bình) từ giữa tháng 10; sạt lở đất ở huyện Bắc Trà Mỹ, Nam Trà My (Quảng Nam).

img

Năm 2017 thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, khiến 386 người chết, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng, tăng 300% so với trung bình nhiều năm. Ảnh IT

 Lũ quét, sạt lở đất trong năm đã làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi. Hiện nay vẫn còn 13.246 hộ đang sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất.

Về sạt lở bờ sông, bờ biển, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, đang có diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau là khu vực tập trung đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh.

Hiện nay, trên cả nước hiện có 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.710 km, trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng) với tổng chiều dài 218 km; 735 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 911 km; 1.229 điểm sạt lở còn lại với tổng chiều dài 1.581 km.

Tổng kết lại tình hình thiệt hại năm 2017, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai báo cáo, đây là năm thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, khiến 386 người chết, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng, tăng 300% so với trung bình nhiều năm.

Một số tỉnh bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của địa phương như: Khánh Hòa thiệt hại hơn 14.700 tỷ đồng; Hòa Bình thiệt hại hơn 2.820 tỷ đồng; Yên Bái thiệt hại hơn 1.599 tỷ đồng, Hà Tĩnh thiệt hại trên 7.485 tỷ đồng; Quảng Bình thiệt hại gần 8.000 tỷ đồng,...

Thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường

Nhận định về tình hình thiên tai năm 2018, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng, mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp khó lường, lũ quét sạt lở đất ngày càng gia tăng, hạn hán xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản; diện tích đất bị mất ngày càng tăng.

Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, phòng chống, tránh và thích ứng, một tinh thần thuận thiên trong chỉ đạo. Tinh thần lớn nhất là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Thứ nhất, phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, xã hội hoá nguồn lực trong đó huy động nguồn lực của nhân dân.

Thứ hai, quan tâm đầu tư phòng ngừa chứ không chỉ quan tâm đầu tư ứng phó, thực hiện ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”.

Thứ ba, thực hiện các giải pháp phòng chống đồng bộ, kế thừa kinh nghiệm phòng chống của cha ông.

Thứ tư, phòng chống thiên tai phải đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các bộ ngành và địa phương.

Thứ năm, phải kết hợp giải pháp công trình với phi công trình, đầu tư công trình phòng chống thiên tai đa mục tiêu.

Thứ sáu, thực thi các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong công tác phòng chống thiên tai.

Để phòng chống thiên tai có hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu phải có bộ máy thể chế tốt hơn nữa để phục vụ công tác phòng chống thiên tai, cán bộ phải giỏi, phải nhiệt tình phục vụ nhân dân, lo cho dân.

Có chính sách tài chính để hỗ trợ phòng chống thiên tai, không phải chỉ sử dụng kinh phí dự phòng để phòng chống thiên tai.

Trong điều hành cần ứng dụng khoa học công nghệ và tham mưu có đề xuất kịp thời áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, hiện đại trong phòng chống thiên tai.

Đối với các vùng miền Thủ tướng đưa ra các giải pháp, đối với vùng núi phía Bắc, nơi thường xuyên chịu lũ quét, sạt lở, cần bảo đảm an toàn hồ đập, quy trình vận hành liên hồ cần được làm rõ trách nhiệm, ai ra lệnh xả lũ.

Đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phải đảm bảo an toàn hệ thống phòng chống thiên tai, hệ thống đê điều. Đặc biệt đảm bảo an toàn thủ đô Hà Nội.

Đối với vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên cần chú ý đảm bảo an toàn hệ thống thuỷ lợi, hồ chứa, hồ đập, an toàn lồng bè nuôi trồng hải sản.

Đối với đồng bằng sông Cửu Long cần làm rõ chỗ nào ngăn mặn để tập trung phát triển, quy hoạch phòng chống thiên tai làm rõ hơn, quy hoạch phát triển nông nghiệp làm rõ hơn, tập trung xử lý dứt điểm các điểm sạt lở, không để tình trạng sạt lở kéo dài; có phương án di dời dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem