Thoát nghèo nhờ nuôi cá đặc sản

Thứ hai, ngày 28/02/2011 10:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cùng với nuôi cá lồng, ngư dân làng chài Cẩm Thủy, Thanh Hóa, đã thuần phục và nuôi thành công giống cá ké, cá lăng đặc sản, mở ra hướng làm giàu cho nơi đây…
Bình luận 0
img
Một lồng nuôi cá ké, cá lăng ở làng chài Cẩm Thủy. Ảnh nhỏ: Hai con cá lăng này "đổi" được gần 1 tạ gạo.

Làng chài Cẩm Thuỷ thuộc tổ 1 và tổ 4 (thị trấn Cẩm Thuỷ) và thôn Tân Phong, Tân Thành (xã Cẩm Phong) nằm dọc theo 2 bờ sông Mã. Cách đây chưa lâu, làng chài như một "ốc đảo" của sự nghèo khó và thất học. Làng có gần 100 hộ thì 70% thuộc diện nghèo. Trẻ đa phần chỉ học hết cấp 1.

Thiên nhiên ưu đãi

Trước kia, nguồn thu của làng chài chủ yếu dựa vào đánh bắt cá tự nhiên. Cá ngày càng cạn kiệt, bà con chuyển sang nuôi cá lồng. Nhưng nguồn nước ô nhiễm, cá thường xuyên bị dịch chết, đó là chưa kể thiên tai, lũ lụt.

img Nếu các nhà khoa học nghiên cứu và nhân giống thành công, thì cá ké, cá lăng không chỉ là "con thoát nghèo", mà còn là “con làm giàu” cho người dân làng chài Cẩm Thủy. img

Ông Nguyễn Xuân Tiên - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Thủy

Năm 2007, huyện cấp đất và hỗ trợ xây nhà ở, đưa cả "làng chài" lên bờ. Song, bên cạnh các hộ dần thích nghi và ổn định, một số hộ không quen công việc trên cạn đã quay lại nghề nuôi cá lồng.

“Trận lũ hồi tháng 10. 2010, hàng trăm lồng cá của làng chài chúng tôi bị nước cuốn trôi, nhà tôi cũng bị trôi 2 lồng, mất hơn 3 tạ cá trắm" - ông Nguyễn Văn Thành, người dân làng chài cho biết.

Theo ông Hà Quang Vệ - Tổ trưởng Tổ dân phố số 1, thị trấn Cẩm Thuỷ, cá nuôi ở sông Mã lớn nhanh, thịt ngon. Tuy nhiên, nuôi cá lồng phải có vốn, một lồng cá 4m2 phải đầu tư khoảng 6 triệu đồng, nên đa số mỗi hộ chỉ nuôi 2-3 lồng. "Huyện khuyến khích các hộ tận dụng mặt nước sông Mã để nuôi cá lồng. Nhưng đến nay chưa có kế hoạch cụ thể hỗ trợ vốn, nên các hộ vẫn nuôi tự phát, hiệu quả chưa cao" - ông Vũ Xuân Vường -Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong cho hay.

1cân cá bằng 1 tạ thóc

Ông Trần Quang Vinh - người đầu tiên nuôi cá ké, cá lăng, cho hay, năm 2007, ông dong thuyền lên mạn huyện Bá Thước để đánh cá trạch làn (cá bán đắt nhất lúc bấy giờ). Tình cờ ông đánh được con cá lăng gần 3kg, mang lên chợ, khách tranh nhau mua, ông phải cắt thành 3 khúc bán cho 3 khách quen, giá 100 nghìn đồng/kg (khi đó, cá trắm cỏ giá 20 nghìn đồng, cá mè 15 nghìn đồng/kg).

Từ đó, đánh được cá ké, cá lăng nhỏ, ông đều mang về nuôi. "Khi nuôi, cá chỉ bằng ngón tay cái, sau 3 tháng đã bằng cái chai gù. Biết tôi có "cá đặc sản", một số nhà hàng trên thị trấn xuống nài nỉ mua, nhưng tôi tiếp tục nuôi. 8 tháng, mỗi con nặng gần 2kg, bán được 300-400 nghìn đồng/kg. Lúc đó, tôi có 10 con cá ké và cá lăng mà được gần 7 triệu đồng" - ông Vinh kể.

img
 

Tin ông Vinh "trúng đậm" lan nhanh khắp vạn chài. Nhiều người đến xin học ông cách nuôi cá ké, cá lăng. Đến nay đã có hơn 20 hộ ở làng chài nuôi cá đặc sản này, với số lượng hàng nghìn con/lứa. Không ít hộ đã làm giàu từ cá ké, cá lăng”.

"Cá ké, cá lăng thuộc nhóm cá da trơn, sống ở kẽ đá dưới đáy sông, những nơi nước chảy xiết trên thượng nguồn sông Mã, sông Lô. Cá chịu dịch bệnh rất tốt, nuôi dễ, nhưng thiếu nguồn giống nên kiếm được con nào, tôi nuôi con đó.

Năm 2010, tôi thu hơn chục triệu đồng từ cá. Nếu có đủ nguồn giống và vốn đầu tư, thì nuôi cá đặc sản này trúng lớn. 1kg cá trị giá gần 1 tạ thóc (250-400 nghìn đồng/kg), khách vẫn tranh nhau mua" - ông Trần Văn Hà, ở tổ 4 thị trấn Cẩm Thuỷ nói.

Nhờ cá ké, cá lăng, làng chài giờ chỉ còn 20% hộ nghèo; không còn trẻ thất học và có gần chục em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng...
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem