Vùng trọng điểm nông nghiệp ĐBSCL đang lâm nguy vì biến đổi khí hậu

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 26/09/2017 18:30 PM (GMT+7)
Hôm nay (26.9), tại TP.Cần Thơ, Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã chính thức khai mạc. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì phiên khai mạc.
Bình luận 0

Nhiều tổ chức quốc tế, bộ ngành liên quan và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đến tham dự Hội nghị.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi khai mạc Hội thảo biến đổi khí hậu ĐBSCL sáng nay 26.9. Ảnh: Zing.vn

Tác động tiêu cực ngày càng thể hiện rõ nét

Trong bài báo cáo đánh giá tổng quan về các thách thức đối với ĐBSCL của mình, GS.TS Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về BĐKH cho biết: Khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm với diện tích nhiễm mặn lên tới 1,7 triệu ha. Ngoài ra, vùng này còn thường xuyên bị lũ lụt (diện tích bị ngập lũ lên tới khoảng 1/2 diện tích toàn vùng và thời gian ngập kéo dài từ 1-6 tháng).

Theo GS.TS Trần Thục, việc thay đổi chế độ dòng chảy đến ĐBSCL, đặc biệt là trong mùa cạn cũng đã làm suy giảm lượng phù sa và làm gia tăng các điều kiện khí hậu cực đoan do BĐKH. “Đó là vấn đề sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức và do thiếu phù sa bù đắp” - GS.TS Thục chỉ rõ về vấn đề khí hậu cực đoan.

img

Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng vùng ĐBSCL.

Hội nghị đặc biệt quan trọng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Đây là hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ hội để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những ý kiến trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp, đoàn thể và đặc biệt của chính người dân vùng ĐBSCL. Hội nghị làm nhằm hướng đến bảo đảm sinh kế cho người dân”.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, BĐKH ngày càng thể hiện rõ nét ở ĐBSCL qua tình trạng sạt lở bờ sông và bờ biển. Tình trạng này chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh rạch với những diễn biến phức tạp và có mức độ gia tăng  cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng.

Hiện nay có 513 điểm sạt lở ven các tuyến sông với tổng chiều dài 520km. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tại vị trí bờ sông Tiền (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp); bờ sông Vàm Nao (huyện Chợ Mới, An Giang) và bờ sông Bò Ót (quận Thốt Nốt, Cần Thơ),…

Về sạt lở bờ biển, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi làm diện tích khu vực ĐBSCL giảm khoảng 300ha/năm. Tình trạng này chủ yếu xảy ra tại khu vực ven biển các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang (Hiện có tổng số 49 điểm sạt lở với tổng chiều dài 266km).

Nhiều đại biểu nhận định, BĐKH là một hiện tượng toàn cầu mà ĐBSCL được nhận diện là một trong ba đồng bằng trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Nó không phải là câu chuyện trăm năm mà đang hiển hiện ngay trước mặt, ngày càng rõ nét trong những năm gần đây. Ngoài chịu các tác động xấu của BĐKH và các hoạt động của khu vực thượng nguồn, những ưu thế về tự nhiên của vùng đã dần thay đổi, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt của người dân.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trao đổi với các đại biểu quốc tế bên lề hội nghị 

Tập trung bàn 4 vấn đề chính

Nhiều ý kiến cho rằng, trước đây đã có nhiều quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL nhưng những quy hoạch này còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết và còn mang tính ngắn hạn. Vì vậy, rất cần thiết phải có một định hướng tổng thể, dài hạn cho sự chuyển đổi trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng trước các thách thức của BĐKH. 

“Những vấn đề “nóng” ảnh hướng lớn ĐBSCL do BĐKH gây ra cần từng bước ứng phó. Đặc biệt, những quy hoạch

Các đập thủy điện đe dọa nghiêm trọng nguồn nước ĐBSCL

Ông Hoàng Văn Bẩy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TNMT) cho biết: Trong số 475 tỷ m3 của ĐBSCL thì có 450 tỷ m3 từ thượng nguồn chuyển về. Chính việc phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn nên việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công cũng như các dự án chuyển nước của Thái Lan là mối nguy đe dọa rất lớn đối với an ninh nguồn nước của vùng ĐBSCL. Trên thực tế, nước từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL trong những năm qua đã bị suy giảm khá rõ rệt.

từng ngành riêng lẻ cần từ bỏ. Trước đây, báo cáo theo số liệu, hình ảnh rất đẹp nhưng không thực hiện được đã đến lúc cần phải tích hợp lại”- GS.TS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp ĐBSCL nêu quan điểm.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “ĐBSCL đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do BĐKH, tạo ra thách thức vô cùng to lớn, đe doạ quá trình phát triển của vùng, đặc biệt là đời sống và sinh kế của người dân. Do đó, chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo xu hướng bền vững, thích ứng với BĐKH có ý nghĩa hết sức quan trọng, được Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, các đại biểu tập trung thảo luận, bàn về 4 vấn đề chính. Cụ thể là phân tích, nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do BĐKH, quá trình phát triển nội tại của ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn; dự báo các xu thế tác động chính, các định hướng chuyển đổi lớn; đề xuất các cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá (tập trung vào đất đai, thuế, thị trường, xúc tiến đầu tư…); xác định các dự án đề án ưu tiên với lộ trình, nguồn lực phù hợp với sự tham gia của nhiều bên.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho vùng. Đồng thời, đề nghị phát huy hơn nữa vai trò của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, tăng cường chia sẻ thông tin, quản lý sử dụng nguồn nước giữa các nước trong lưu vực.

Cần chuyển đổi sang hệ thống canh tác mới

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Giải pháp tổng thể chuyển đổi kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL thời gian qua có giải pháp về đê bao, cống điều tiết…Qua đó, đã góp phần đẩy sản lượng lương thực của vùng liên tục tăng cao, đây là một thành quả. Tuy nhiên, hiện nay, do đã có nhiều tác động đến ĐBSCL cũng như có nhiều yêu cầu mới về thị trường nên chúng ta phải tính toán lại, từng bước một chuyển đổi sang hệ canh tác mới, với đối tượng canh tác mới, phù hợp hơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem