Thu hoạch chè búp tươi: Cơ giới hóa giúp tăng thu nhập

Thứ ba, ngày 18/09/2012 09:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sở KHCN Lâm Đồng cho biết, lần đầu tiên Lâm Đồng đang thử nghiệm mô hình cơ giới hóa trong thu hoạch chè (từ trước đến nay chỉ thu hái bằng tay).
Bình luận 0

Mới đây, kết quả nghiệm thu của hội đồng khoa học cấp bộ cho thấy, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể áp dụng rộng rãi ở những cánh đồng chè tập trung trên địa bàn Lâm Đồng.

img
Thu hái chè bằng cơ giới hóa.

Được Văn phòng Chương trình nông thôn và miền núi (Bộ KHCN) đồng ý, từ năm 2010, Công ty cổ phần Chè Minh Rồng (TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm mô hình (dự án) “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật cơ giới hóa trong khâu thu hoạch chè búp tươi ở Lâm Đồng” (trong khuôn khổ Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” của Bộ KHCN).

Theo đó, bắt đầu từ 2010, Công ty cổ phần Chè Minh Rồng đã triển khai mô hình trên diện tích 50ha chè của 69 hộ dân ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Tham gia vào dự án, các hộ nông dân đã được tập huấn kỹ thuật thâm canh cây chè, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng, cách sử dụng và bảo trì máy đốn và máy hái chè trong thu hoạch chè búp tươi…

Kết quả sau 2 năm thực hiện: Vườn chè phát triển ổn định và cho năng suất cao hơn bình thường; bên cạnh đó, nhờ quản lý tốt dịch hại tổng hợp nên số lần phun thuốc trừ sâu đã giảm, năng suất lao động cũng đã tăng từ 4 – 6 lần; nguyên liệu chè búp tươi loại 1 và 2 tăng cao hơn so với vườn chè đối chứng, chè loại 3 ngang bằng hái thường nhưng phẩm cấp phù hợp hơn với việc chế biến chè xanh và chè đen CTC (theo TCVN 1053-71 của Bộ NNPTNT năm 2001). Đồng thời, sản phẩm trà cũng đã được bộ phận KCS đánh giá là có chất lượng khá tốt về hình thức, màu nước, hương vị; lượng tanin giảm, hàm lượng đường và chất hòa tan tăng…

Cụ thể hơn, sản lượng chè búp tươi thu được từ dự án là 2.213 tấn trong 2 năm triển khai, tương đương năng suất 22 tấn búp tươi/ha/năm – tăng 10% so với vườn chè nằm ngoài mô hình; chi phí thu hái giảm 55%, chi phí bảo vệ thực vật giảm hơn 50%.

Từ nguồn nguyên liệu của mô hình, Công ty cổ phần Chè Minh Rồng đã chế biến được 492,2 tấn chè thành phẩm có chất lượng tốt và an toàn, giá bán từ 1,6USD – 1,65USD/kg (cao hơn sản phẩm bình thường của công ty khoảng 25%), mang lại lợi nhuận 1,3 tỷ đồng. Đồng thời, dự án cũng đã mang lại nguồn lợi về kinh tế cho 69 hộ dân tham gia dự án gần 4,4 tỷ đồng.

Hiện tại, có rất nhiều hộ nông dân vùng chè Bảo Lâm và Bảo Lộc tìm đến Công ty cổ phần Chè Minh Rồng đăng ký tham gia mô hình. Lãnh đạo công ty cho biết, từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có thêm khoảng 40ha chè trong vùng sẽ được thu hút tham gia dự án. Thực tế này cho thấy, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật cơ giới hóa vào khâu thu hoạch chè búp tươi cùng với các tiến bộ khoa học kỹ thuật khác trên đồng chè ở Lâm Đồng đang là một nhu cầu thiết yếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem