Thứ trưởng Bộ NNPTNT “chỉnh” Cục phó vì chính sách trữ đông thịt lợn

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 30/05/2019 16:48 PM (GMT+7)
Ngày 30/5, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NNPTNT họp bàn giải pháp triển khai chủ trương trữ đông thịt lợn sạch để đảm bảo bình ổn thị trường, tránh thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã chấn chỉnh Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.
Bình luận 0

Trong cuộc họp triển khai chủ trương giết mổ trữ đông thịt lợn sạch để giảm thiểu thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/5, do không đưa ra được các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Phạm Văn Duy đã bị Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chỉnh ngay tại cuộc họp.

Cụ thể, nói về chính sách hỗ trợ chế biến, ông Duy chỉ trích dẫn chung chung một vài nghị định của Chính phủ liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp mà không đề xuất những chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp giết mổ cấp đông thịt heo càng sớm càng tốt. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ngay lập tức chỉnh ngay: “Cái chúng ta cần là chính sách cụ thể để sớm triển khai chủ trương giết mổ cấp đông thịt heo”.

img

Nếu không cấp đông ngay sẽ không có lợn mà cấp đông trong thời gian tới. Ảnh: I.T

Sau khi được Thứ trưởng Bộ NNPTNT "nhắc nhở", Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về chi phí thuê kho cấp đông, lên đến 20.000 - 22.000 đồng/tấn/ngày và khẳng định: "cố gắng đưa thịt lợn vào cấp đông càng nhanh càng tốt".

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan trên diện rộng và diễn biến phức tạp, nếu không cấp bách triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, cấp đông thịt lợn sạch thì nguồn cung thịt lợn cuối năm sẽ thiếu, trong khi hiện nay việc tiêu hủy lợn có thể khiến người chăn nuôi tổn thất nghiêm trọng.

img

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp.

 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đến hôm nay đã có 44 tỉnh có dịch với 2 triệu con heo bị chết, phải tiêu hủy. Theo nhận định thì dịch sẽ lây lan ra toàn bộ 63 tỉnh và thành phố, không chừa tỉnh nào. Ngay cả những trang trại, cơ sở lớn, quy mô hiện đại cũng khó tránh khỏi nếu không có giải pháp phòng ngừa tốt. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, giải pháp khả thi bây giờ là tổ chức thu mua heo sạch để trữ, những tháng sau hết nguồn cung thì sẽ cấp lại cho thị trường. Việc kiểm tra thịt heo sạch không khó, có thể sử dụng phương pháp test nhanh. 

Ông Tiến cho rằng, nếu tiêu hủy thì phải có hóa chất, nhân công và quỹ đất, ảnh hưởng môi trường. Vì vậy, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ lợi hơn nhiều. “Đề nghị triển khai đồng bộ, các doanh nghiệp vào cuộc sớm để triển khai có hiệu quả”- Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nói. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tiếp lời ông Phùng Đức Tiến, cho rằng cần phải triển khai nhanh và sớm, nếu không sẽ không kịp. “Điều quan trọng là heo thu mua phải đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới thu mua”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu vấn đề. 

Có thể thấy, từ tháng 3, sau khi dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giá lợn hơi đã giảm đồng loạt và đến đầu tháng 4 giá lợn phục hồi nhẹ và hiện nay giá lợn lại tiếp tục giảm sâu với giá phổ biến dao động từ 28.000 - 33.000 đồng/kg.

Trong khi đó, thời gian 3 tháng tới là thấp điểm của việc tiêu thụ thịt lợn do nắng nóng và dịch bệnh nên sức ép với ngành chăn nuôi lợn càng lớn hơn.

Do vậy, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong những giải pháp cần thiết đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Hiện nay, thịt heo giá thành thì thấp mà lại khó bán. Nhưng mấy tháng tới thì không có mà bán chứ đừng nói giá bao nhiêu”- Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lo lắng. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, đây là việc không chỉ riêng Bộ NN-PTNT mà của chung cả nước. Trách nhiệm của Bộ Công thương là đảm bảo cân đối cung - cầu. 

Một trong những cơ chế nổi bật được Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đề xuất Chính phủ đó là đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt lợn, như chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ 100% tiền điện phục vụ cấp đông, 50% lãi suất ngân hàng, 100% chi phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem