Thủ tướng: Hội nghị lúa gạo để nói thẳng nói thật, không phải vỗ tay

Hà Vũ- Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 15/03/2017 10:47 AM (GMT+7)
Hôm nay (15.3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và trực tiếp chỉ đạo Hội nghị giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại An Giang. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị chuyên đề về lúa gạo.
Bình luận 0

Tham dự  Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng, các Hiệp hội, Hội, các nhà khoa học và nhất là các doanh nghiệp, đại diện các Hợp tác xã, hộ nông dân hưởng ứng và tham dự đông đủ.

img

Các nhà khoa học tham quan cánh đồng trồng lúa ở ĐBSCL. Ảnh: K.L

Phát biểu gợi ý phần thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Thành phần tham dự hội nghị liên quan chặt chẽ với việc phát triển lúa gạo gồm các bộ, ngành, địa phương, tức là các cơ quan quản lý Nhà nước về lúa gạo; thứ hai là các nhà khoa học và thứ ba là các doanh nghiệp. Khoa học công nghệ không phát triển thì lúa gạo không thể đáp ứng yêu cầu thị trường, còn doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển lúa gạo ở Việt Nam.

img

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Bây giờ sản xuất phải gắn với thị trường, không thể sản xuất cái anh có mà sản xuất cái thị trường cần”, Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn các đại biểu “nói thẳng, nói thật về những vướng mắc hiện nay”, nhất là về xây dựng thương hiệu gạo, nâng cao chất lượng, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm, chứ không phải về sản lượng với tư duy là năm sau phải cao hơn năm trước nhưng giá trị thì không cao.

Thủ tướng cũng đặt vấn đề thảo luận là thể chế, quy định nào gây ách tắc, cản trở sản xuất, xuất khẩu. Hiệp hội Lương thực Việt Nam có gây cản trở, có còn tình trạng ban phát hạn ngạch hay không? Thuế khóa thế nào? Vấn đề đất đai ra sao? Ngay cả tham nhũng, tiêu cực trong ngành lúa gạo có không? Các địa phương có quan tâm sản xuất lúa ở địa phương hay không?

Thủ tướng bày tỏ mong muốn được lắng nghe các ý kiến góp ý về các chính sách, thể chế để làm sao giải phóng sức sản xuất, xây dựng được thương hiệu, làm sao để cuộc sống người nông dân khá hơn, giảm chi phí trung gian.

“Nói thẳng, nói thật để tháo gỡ chứ không phải hội nghị vỗ tay”, Thủ tướng nói.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL có vai trò rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế của vùng và của cả nước, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị, xã hội, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân trong vùng. Sau 30 năm đổi mới, cùng với sự phát triển và những thành tựu to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng ở vùng ĐBSCL đã góp phần quan trọng đưa nước ta từ một nước thiếu ăn, đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực trở thành một cường quốc xuất khẩu lương thực, riêng ĐBSCL đã đóng góp trên 90% lượng gạo xuất khẩu của toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐBSCL không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên như đất đai bằng phẳng, màu mỡ và diện tích lớn (với gần 2 triệu ha đất lúa và 4 triệu ha gieo trồng), nguồn nước dồi dào do có dòng sông Cửu Long chi phối mà người dân vùng ĐBSCL cũng có truyền thống, kinh nghiệm sản xuất lúa lâu đời, luôn tiên phong trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác tiên tiến và cơ giới hoá nông nghiệp. Đây chính là tiềm năng, là động lực phát triển sản xuất lúa gạo nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung của cả vùng.

img

Bốc dỡ gạo để xuất khẩu. Ảnh; K.L

Tuy nhiên, thực tiễn đang diễn ra trong những năm qua cho thấy ngành hàng lúa gạo đã và đang đối mặt với những thách thức to lớn, đe dọa tới sự phát triển bền vững, sự sống còn của một ngành hàng gắn bó với hàng chục triệu người dân. Tác động của Biến đổi khí hậu, khô hạn, nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt đã hiện hữu và xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn so với kịch bản mà chúng ta đã dự đoán, cùng với đó là sự thay đổi căn bản về nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông do hoạt động kinh tế của các quốc gia đầu nguồn. Những hạn chế trong nội tại của ngành cũng làm giảm năng lực cạnh tranh, chưa tạo được vị thế vững chắc của hạt gạo Việt trên thương trường, các vấn đề về khoa học công nghệ, chọn tạo và sản xuất giống lúa, các quy trình canh tác tổng hợp và trên hết đó là hiệu quả của sản xuất thấp. Nông dân sản xuất lúa gạo của ĐBSCL vẫn nghèo do hiệu quả kinh tế, thu nhập từ sản xuất lúa gạo còn thấp, người sản xuất được hưởng lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Vấn đề tổ chức sản xuất và liên kết theo chuỗi khép kín vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo ra được bước thay đổi căn bản để đảm bảo sự phát triển bền vững; chưa giảm được mức độ sử dụng tài nguyên và nguồn vật tư đầu vào, đặc biệt là tài nguyên nước và hoá chất. Vấn đề cạnh tranh quốc tế về thị trường lúa gạo, an toàn thực phẩm cũng đang là bài toán lớn đặt ra cho ngành hàng lúa gạo nước ta.

Mặc dù có những tồn tại và thách thức lớn, sản xuất lúa gạo vẫn là thế mạnh của vùng ĐBSCL, vẫn là ngành hàng có nhiều thời cơ do nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trên thế giới vẫn tiếp tục tăng 70% so với hiện nay để nuôi sống 9 tỷ người vào năm 2050, trong đó một nửa dân số coi gạo là lương thực chính. 

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ cảm ơn Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt tới sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tới sản xuất lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long và đã tham dự, trực tiếp chỉ đạo chức Hội nghị quan trọng này. “Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận lại một cách đầy đủ hơn những thành tựu và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhất là những tồn tại, hạn chế, thách thức để từ đó xác định giải pháp căn cơ trước mắt cũng như lâu dài phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem