Thuần phục những đàn ong mật

Thu Hà Thứ hai, ngày 11/04/2016 06:43 AM (GMT+7)
Biết cách chia đàn, tạo chúa; chăm sóc, phòng trừ bệnh; thu hoạch, sơ chế và bảo quản sản phẩm mật ong… Đó là những kiến thức mà nhiều nông dân (ND) xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa, Nghệ An học được từ lớp dạy nghề nuôi ong lấy mật.
Bình luận 0

Hiểu rõ “tính nết” đàn ong

Đang vào mùa ong làm mật nên các hộ nuôi ong xã Nghĩa Mỹ rất bận rộn. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Đình Nghị khi anh đang tất bật chăm sóc đàn ong. Anh Nghị chia sẻ: “Địa phương có diện tích rừng cây lớn, nhiều loài cây có hoa trái quanh năm nên rất thích hợp để nuôi ong lấy mật. Mỗi năm ong làm mật theo 2 vụ chính, sau 2 vụ này, người nuôi có thể tiến hành nhân giống đàn ong”.

imgÔng Trương Đình Tống – Tổ trưởng THT kiểm tra đàn ong cho một thành viên trong tổ. Ảnh: Thu Hà

Đến nay, anh Nghị đã nuôi ong được hơn 10 năm. Lúc đầu anh Nghị nuôi thử 3 đàn ong, nhưng do không có kinh nghiệm nên ong chết nhiều, thưa quân, cho mật ít. “Khi biết Hội ND xã tổ chức lớp dạy nghề nuôi ong, tôi đăng ký học ngay. Sau lớp học tôi nghề tôi cũng xin tham gia vào Tổ hợp tác (THT) nuôi ong lấy mật ở xã. Được đào tạo bài bản, tôi nuôi ong hiệu quả hơn hẳn, thu nhập cải thiện rõ rệt. Hiện với hơn 60 đàn ong, mỗi năm tôi thu về hơn 100 triệu đồng từ bán ong giống và mật ong” - anh Nghị bày tỏ.

 Ông Nguyễn Văn Vương – Phó Chủ tịch Hội ND xã Nghĩa Mỹ cho biết, năm 2015, toàn xã có 600 đàn ong cho sản lượng hơn gần 6 tấn mật, đạt giá trị kinh tế gần 1 tỷ đồng. 

Là một trong những học viên xuất sắc nhất của lớp học nghề nuôi ong, ông Trương Đình Tống hiểu rõ “tính nết” của đàn ong để có các biện pháp thích hợp trong việc chống nóng, chống rét, trợ giúp đàn ong vượt qua thời gian thiếu vắng mùa hoa…

Có nghề và thạo nghề, ông Tống đã đem kiến thức nuôi ong của mình đi giúp nhiều hộ ND khác phát triển đàn ong. Cũng chính vì thế mà ông Tống được các thành viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng THT. Ông Tống phấn khởi nói: “Hội ND tổ chức đào tạo nghề gắn liền với việc thành lập các tổ nhóm theo sở thích cho ND là việc làm rất thiết thực. Với hình thức này, anh em chúng tôi hỗ trợ lẫn nhau rất nhiều, người giỏi nghề hỗ trợ người chưa giỏi”.

Dạy nghề gắn với nhu cầu

Ông Nguyễn Văn Vương – Phó Chủ tịch Hội ND xã Nghĩa Mỹ cho biết: “Nghề nuôi ong lấy mật có ở xã Nghĩa Mỹ từ lâu, nhưng trước đây các hộ nuôi ong theo kiểu truyền thống, ít áp dụng khoa học kỹ thuật dẫn đến năng suất, chất lượng mật ong kém, không đồng đều”. Tháng 10.2011, theo nguyện vọng của bà con, Hội ND xã Nghĩa Mỹ phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (thuộc Hội ND tỉnh Nghệ An) mở lớp dạy nghề nuôi ong. “Lớp học có 35 học viên, ai cũng học rất chăm chỉ, không vắng mặt buổi nào nên bà con tiếp thu kiến thức rất nhanh, học đến đâu, áp dụng được ngay đến đó” - ông Vương thông tin.

Để nghề nuôi ong lấy mật phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và tiến tới xây dựng thương hiệu, tháng 1.2013, Hội ND xã đứng ra thành lập THT nuôi ong nội lấy mật xã Nghĩa Mỹ. “Hàng năm, THT đều phối hợp Hội ND thị xã Thái Hòa mang sản phẩm mật ong đến các hội chợ triển lãm để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Cùng với lớp dạy nghề nuôi ong, Hội ND xã cũng tổ chức thành công lớp chăn nuôi thú y và nuôi cá nước ngọt. Sau khi học, bà con nắm chắc quy trình chăn nuôi và cùng xây dựng THT chăn nuôi gà an toàn sinh học và THT nuôi cá” - ông Vương cho biết.

Anh Trương Văn Lợi – Tổ trưởng THT nuôi gà an toàn sinh học cho hay: “Tham gia THT, chúng tôi thống nhất một quy trình từ con giống, quản lý phòng trừ dịch bệnh, loại thức ăn... nên đàn gà phát triển tốt, ít nhiễm dịch bệnh, các thành viên trong tổ đều có thu nhập khá”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem