Thực hư thông tin giá gia cầm tăng cao bất thường?

Trần Quang Thứ sáu, ngày 14/02/2020 19:15 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt về thông tin giá một số sản phẩm gia cầm tăng cao, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: Theo quy luật của thị trường, việc tăng, giảm giá sản phẩm chăn nuôi là hết sức bình thường, chúng ta phải xác định trong chu kỳ sản xuất, chăn nuôi gia cầm trong năm bao giờ cũng có lỗ, có lãi, thậm chí 1 năm có 8 tháng bà con thu lãi, 4 tháng phải chịu lỗ là bình thường.
Bình luận 0

img

Theo cán bộ Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội), riêng ngày 13/2 giá các mặt hàng vịt, ngan, gà đều tăng đột biến khoảng trên 10.000 đồng/kg.

Là chợ đầu mối lớn buôn bán gia cầm ở miền Bắc, chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ thời gian qua luôn là nơi giao dịch mua, bán sản phẩm gà, vịt, ngan... của gần 1.000 lái buôn, khách mua tiêu dùng mỗi ngày.

Theo Ban quản lý chợ Hà Vỹ, mỗi ngày tại đây có khoảng trên 300 người bán sản phẩm gia cầm với sức tiêu thụ có ngày lên đến trên dưới 100 tấn vịt, gà, ngan...

Ông Nguyễn Đăng Thênh - Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) cho hay: Hiện, lưu lượng các phương tiện vận chuyển gia cầm vẫn đưa về chợ ở mức bình thường, chưa tăng nhiều và đều được lực lượng liên ngành kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt về nguồn gốc. 

Khẳng định thêm với chúng tôi về giá cả các mặt hàng gia cầm tại chợ đầu mối Hà Vỹ đã tăng hơn so với trước, ông Thênh cho biết, so với các mặt hàng gia cầm, thời điểm này giá vịt thịt tăng nhiều nhất. Các hàng vịt thương phẩm đang được giao dịch tại chợ với giá từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/kg. So với giá trước đây, mức này đã tăng khoảng 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg vịt thương phẩm. 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện tình hình dịch bệnh trên gia cầm, trong đó có dịch cúm A/H5N6 đang chỉ xảy ra ở phạm vi hẹp tại các điểm nhỏ tại 5 tỉnh thành nhưng đến giờ chúng ta đã khoanh vùng, dập dịch ngay. Do vậy nguy cơ  lây lan của dịch bệnh này cũng không đáng lo ngại và không ảnh hưởng đến việc sử dụng và tiêu thụ sản phẩm gia cầm.

Năm 2019 vừa qua, đàn gia cầm cả nước có tốc độ tăng trưởng cao, một số địa phương có đàn gia cầm tăng đến 2 con số như Bến Tre tăng gần 40%, Trà Vinh có đàn gà tăng 52%, vịt tăng 41%,…

Tính đến tháng 12/2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đạt 467 triệu con, tăng 14,2% so với cùng thời điểm năm 2018; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm đạt khoảng 1.278,6 nghìn tấn, tăng 16,5% so với năm 2018.

So với các năm trước, số đầu gia cầm các loại hiện tại đang ở mức kỷ lục khoảng gần 470 triệu con. Với số lượng lớn như vậy, chúng ta không những không lo thiếu nguồn cung mà thậm chí còn lo thừa hàng.

"Còn thông tin tại chờ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội) có tình trạng khán hiếm hàng, giá mặt hàng này tăng đột biến, theo tôi có thể tại đó gặp vấn đề ách tắc cục bộ cá biệt trong khoảng thời gian nhất định chứ không kéo dài lâu. Hiện, giá gia cầm đang giao dịch ở nhiều mức khác nhau, đơn cử như giá vịt đang ở ngưỡng từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, tùy loại", ông Dương khẳng định.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, thời điểm trước, trong và nhất là sau Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, các lễ, hội, sự kiện đầu năm cũng tạm ngừng hoạt động, khiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm giảm, trong khi đó nguồn cung lại tăng nên đã dẫn đến giá các mặt hàng này giảm.

"Tuy nhiên, theo nhìn nhận của tôi, giá các mặt hàng vịt, gà, ngan giảm không nhiều mà chỉ thấp hơn giá thị trường rất ít và sẽ hồi phục dần trong thời gian tới", ông Dương nói.

img

Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá gà, vịt làm sẵn tại các chợ dân sinh của Hà Nội có giá khoảng trên dưới 100.000 đồng/kg, tùy loại hàng.

Nói thêm về định hướng chăn nuôi trong thời gian tới, ông Dương cho rằng: Bà con và các địa phương vẫn nên sản xuất bình thường và không chủ quan lơ là trước dịch bệnh, nhất là dịch cúm A/H5N6. Điều đáng nói nữa là bà con phải cần có điều chỉnh về quy mô chăn nuôi và tiếp tục đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học để giữ an toàn cho đàn vật nuôi, đảm bảo thu nhập bền vững.

"Bà con chăn nuôi cũng lưu ý làm sao chúng ta phải nuôi rải vụ ra và tập trung tăng sản phẩm vào các tháng mùa thu, mùa đông và giảm về mùa hè. Đặc biệt là vào mùa hè tới, chúng ta phải chủ động ngay từ bây giờ để điều chỉnh sao cho hợp lý nhịp đẻ của gia cầm, tránh việc dư thừa sản phẩm gây ra tình trạng khủng hoảng về giá", ông Dương nhấn mạnh.

Là hộ chăn nuôi ở khá gần với 2 ổ dịch cúm A/H5N6, bà Phạm Thị Tính, một chủ trại vịt ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) hiện đang nuôi trên 1.000 vịt thương phẩm và phần lớn vật nuôi đã đến tuổi xuất chuồng nhưng bà vẫn chưa muốn bán vì giá vịt còn thấp.

Theo bà Tính, hiện các lái buôn đã nhiều lần gọi điện thoại cho vợ chồng bà để hỏi mua vịt, song họ đều trả giá thấp dưới 30.000 đồng/kg nên bà quyết định chờ giá cao hơn 30.000 đồng/kg mới xuất vịt.

"Trong năm vừa rồi, chúng tôi phải mua vịt giống giá cao đưa về chăm sóc, cộng thêm chi phí đầu tư chuồng trại, thức ăn cho chúng nhiều nên phải được giá trên 33.000 đồng/kg, gia đình mới hòa vốn được", bà Tính nói. 

Giá thịt gia cầm tại Đồng Nai giảm một nửa

Trao đổi với chúng tôi vào sáng 14/2, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: Người nuôi gia cầm tại địa phương đang lỗ nặng do giá bán ra thấp, bằng khoảng ½ chi phí chăn nuôi. Riêng giá vịt thịt đang được lái thu mua tại các hộ dân với giá từ trên 20.000 đồng đến trên dưới 25.000 đồng/kg, tùy loại.

"Nguyên nhân dẫn đến giá gà, vịt giảm sâu là do học sinh nghỉ học dài ngày, nhiều nhà máy xí nghiệp cũng chưa hoạt động bình thường trở lại nên các bếp ăn tập thể đồng loạt cắt giảm nhiều loại thực phẩm, nhất là thịt gia cầm", ông Đoán chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem