Tiếng khèn lá người Mông làm "tan chảy" tâm hồn khách ngoại quốc

Văn Chiến Thứ sáu, ngày 08/03/2019 13:10 PM (GMT+7)
Với tay hái 1 chiếc lá tươi trên nhánh cây bên cửa sổ, Tráng A Chu (bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) bắt đầu tiết mục biểu diễn khèn lá của mình trước sự ngạc nhiên của các vị khách đến từ Singapore, Anh quốc…
Bình luận 0

Chúng tôi có mặt ở Homestay của Tráng A Chu vào đúng hôm rất đông khách về nghỉ. Trong đoàn khách ấy, có rất nhiều khách là người nước ngoài. Sau bữa ăn với nhiều món ngon dân tộc, chúng tôi được dự “bữa tiệc” văn nghệ của dân tộc Mông do chính gia đình chủ HomeStay Tráng A Chu biểu diễn. Tiết mục nào cũng thật lắng đọng nhưng có lẽ quấn hút chúng tôi nhất là tiết mục thổi khèn lá của A Chu.

img

A Chu biểu diễn khèn lá trước sự ngạc nhiên, thán phục của các du khách nước ngoài

Chìa chiếc lá tươi vừa được dùng làm khèn để thổi bài “Bài Ca Trên Núi” trong phim Vợ Chồng A Phủ, cho chúng tôi kiểm chứng độ chân thật của sự việc, Chu bảo: Theo các cụ kể lại thì người Mông chúng tôi biết dùng lá cây tươi làm khèn từ rất lâu rồi. Khèn lá cây cũng là nét đặc sắc riêng có của người Mông. Tiếng Khèn lá giúp chúng tôi thêm vui khi đi nương; thêm quyến rũ khi gọi bạn tình; thêm sự biểu cảm khi muốn nói một điều gì đó về tâm tư của mình nhưng không muốn nói bằng lời mà không có dụng cụ âm nhạc khác.

img

A Chu hướng dẫn du khách nước ngoài đến nghỉ tại Homestay của gia đình mình kĩ thuật thổi khèn lá.

Người Mông cũng có nhiều dụng cụ âm nhạc nhưng nổi tiếng nhất là chiếc khèn bè và đặc sắc nhất là tiếng khèn lá. Hầu hết các loại lá rừng tươi đều có thể được người Mông biến thành khèn, miễn là người thổi có kinh nghiệm lấy hơi, đẩy hơi và thuộc lời, thuộc các bài hát.

img

Sau khi được A Chu hướng dẫn tỉ mỉ, vị khách nước ngoài cũng tập thổi khèn lá.

Với người mới tập thổi khén lá thì nên chọn loại lá có độ dai để tránh rách và có mép mỏng để dễ uốn hơi. Khi thổi thì lưỡi phải nằm gọn dưới lá và không được can thiệp vào lá cây thì âm thanh mới chuẩn.

img

A Chu cho biết, khèn lá gắn bó với đồng bào Mông từ bao đời nay.

Với những vị khách hiếu kỳ như vị khách nước ngoài đang nghỉ tại Homstay của nhà mình, Tráng A Chu cẩn thận hướng dẫn vị khách này cách đặt mép lá cây lên miệng, cách lấy hơi, ép hơi qua lá… Vị khách này rất cố gắng làm theo nhưng chỉ phát ra những tiếng “phù phù…” như người thở dốc làm chúng tôi được một phen cười vỡ bụng.

Những ai có dịp đến với các bản vùng cao ở Tây Bắc, khi đi qua những dãy núi mờ sương phủ, đâu đó vẫn nghe văng vẳng tiếng khèn lá gọi bạn tình cùng tiếng hát của các chàng trai, cô gái người Mông đang làm nương, rẫy nghỉ tay luyện tập hoặc cất lên tiếng tâm sự trong lòng. Trong cuộc sống hiện đại với bao nhiêu loại nhạc cụ du nhập vào nhưng người Mông vùng cao Tây Bắc vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình qua tiếng khèn đơn giản bằng lá cây... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem