Tiêu hủy 80 con heo nhiễm chất cấm: Đừng biến VietGAP thành... giấy lộn

Thuận Hải Thứ năm, ngày 28/04/2016 06:34 AM (GMT+7)
Dù được chủ lô hàng chứng minh là đã đạt chứng nhận VietGAP, lô 80 con heo thịt chuẩn bị đưa vào giết mổ tại TP.HCM vẫn bị phát hiện có dư lượng chất cấm cao gấp 5 lần so với mức cho phép. Lô hàng này sau đó đã bị buộc phải tiêu hủy.
Bình luận 0

Heo VietGAP cũng chứa chất cấm?

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ NNPTNT, trưa ngày 20.4, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) nhập một lô hàng gồm 80 heo thịt từ Đồng Nai về TP.HCM để giết mổ, chế biến. Số heo này được chủ lô hàng là ông Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Trà (huyện Thạnh Hóa, Long An), thu gom từ các hộ chăn nuôi ở Đồng Nai. Sau khi nhập về TP.HCM, đàn heo được Vissan đưa vào cách ly để kiểm tra lâm sàng. Kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy, đàn heo dương tính với chất cấm Salbutamol. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Toàn ban đầu không chấp nhận kết quả này.

imgĐàn heo VietGAP 80 vừa bị phát hiện có dư lượng chất cấm vượt mức cho phép tới 5 lần. ảnh: Thuận Hải

Sau đó, trước sự chứng kiến của ông Toàn, Chi cục Thú y TP.HCM đã lấy mẫu xét nghiệm lần 2. Kết quả vẫn chứng tỏ rằng, đàn heo có dư lượng chất cấm gấp 5 lần so với mức cho phép. Trước những chứng từ không thể chối cãi, ngày 26.4, ông Toàn đã bị Thanh tra Bộ NNPTNT lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y với mức phạt 25 triệu đồng. Đồng thời, bị buộc tiêu hủy toàn bộ 80 con heo thịt nói trên. Mức kinh phí ông Toàn phải chịu cho việc tiêu hủy khoảng 100 triệu đồng.

Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 37 lô heo nhập vào TP.HCM bị phát hiện có chất cấm. Trước đó, ngày 15.4, đơn vị này phát hiện 1 trường hợp giết mổ trái phép 5 con heo tại quận Gò Vấp (TP.HCM). Qua kiểm tra, cả 5 con heo dương tính với chất cấm. Cơ sở này sau đó cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính và buộc tiêu hủy đàn heo. 

Điều đáng nói, bà Đặng Thị Phương Ninh – Phó Tổng Giám đốc Vissan, cho biết, lô hàng này đã được chứng nhận VietGAP và ông Nguyễn Văn Toàn là đơn vị có hợp đồng cung cấp heo VietGAP cho Vissan thường xuyên. Theo bà Ninh, để được cấp chứng nhận VietGAP, các trang trại, người chăn nuôi phải đạt các tiêu chí trong bộ tiêu chí VietGAP và được bên thứ 3 độc lập chứng nhận. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh có thể sẽ có xảy ra các sai phạm.

“VietGAP là cơ sở để Vissan thu mua heo, tuy nhiên, Vissan cũng thực hiện kiểm tra, lấy mẫu để kiểm soát chất lượng đầu vào. Cụ thể là từ đầu năm đến nay, Vissan đã thực hiện gần 1.500 mẫu test nhanh trước khi giết mổ”- bà Ninh giải thích thêm.

Sẽ thu hồi chứng nhận VietGAP

Trước thắc mắc tại sao Vissan từng cam kết chỉ cung cấp 100% thịt heo VietGAP nhưng nay lại phát hiện lô heo có chất cấm, ông Văn Đức Mười – Tổng Giám đốc Vissan giải thích rằng, theo quy trình thu mua, giết mổ của Vissan, heo thịt sau khi thu mua về thì phải qua kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Nêu đủ điều kiện, Vissan mới đưa vào giết mổ, phân phối.

“Tất cả dữ kiện chúng tôi có được chứng minh rằng lô hàng 80 con heo thịt của ông Nguyễn Văn Toàn là có chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, ngay khi phát hiện có chất cấm, Vissan  đã chấm dứt hợp đồng thu mua với hộ ông Toàn”-ông Mười cho biết.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Tấn Phát – Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM, để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Thú y phân bổ cán bộ trực, phối hợp lấy mẫu kiểm tra 24/24 tại các đơn vị giết mổ trên địa bàn thành phố.

Đối với lô hàng 80 con heo VietGAP nhiễm chất cấm vừa bị phát hiện, Chi cục Thú y TP.HCM  đã có công văn gởi Chi cục Thú y Đồng Nai và Long An, yêu cầu cùng phối hợp truy xuất nguồn gốc chất cấm mà các hộ chăn nuôi đã sử dụng.

Cũng theo ông Phát, đối với những hộ đã đạt chứng nhận VietGAP mà bị phát hiện heo có dư lượng chất cấm, Chi cục Thú y sẽ đề xuất Bộ NNPTNT thu hồi chứng nhận VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chánh thanh tra Bộ NNPTNT, cho biết thêm, dù việc nhập khẩu các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi đã bị cấm, hiện vẫn còn một lượng chất Salbutamol đang lưu thông trên thị trường. Do đó, Thanh tra Bộ NNPTNT quyết liệt xử lý, triệt tiêu việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Cũng theo ông Tiến, đối với các hành vi vi phạm pháp luật khác, đối tượng cần có lỗi hành vi và lỗi vật chất thì mới có thể xử lý hình sự. Tuy nhiên, đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chỉ cần cơ quan chức năng phát hiện lỗi hành vi tức sử dụng sử dụng chất cấm, chưa cần xét tới hậu quả đã có thể xử phạt hình sự với mức phạt tù lên tới 20 năm (Luật Hình sự 2015).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem