Tìm “đường sống” cho rau sạch Đà thành

Kim Oanh Thứ sáu, ngày 13/01/2017 13:45 PM (GMT+7)
Hiện nay, Đà Nẵng có nhiều vùng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, được kiểm tra quy trình sản xuất nghiêm ngặt như La Hường, Hòa Tiến, Tuý Loan… Tuy nhiên, có thực tế là sản phẩm của các làng rau này còn ít được người tiêu dùng Đà Nẵng biết đến.
Bình luận 0

Rau sạch tự ra chợ

Theo đại diện Hợp tác xã rau Tuý Loan, mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn rau, củ, quả các loại… Trong đó, chỉ có 2,5 tạ rau vào bếp ăn tập thể của 2 trường học và  các cửa hàng, số còn lại là do các hộ dân tự đem chợ bán lẻ hoặc được thương lái thu mua trôi nổi tại chợ lẻ.

“Việc sản xuất rau sạch vất vả hơn so với rau thường, phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt của VietGAP nên giá thường đắt hơn 30% so với giá các loại rau không rõ nguồn gốc, chất lượng tại các chợ… Nhưng khi chúng tôi tìm nguồn tiêu thụ thì luôn gặp khó khăn về so sánh giá cả” - ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX rau sạch Tuý Loan cho biết.

Khó khăn đầu ra không chỉ với vùng rau Tuý Loan mà cũng là cảnh ngộ chung của các vùng rau khác trên địa bàn Đà Nẵng.

img

  Để rau sạch của Đà Nẵng có chỗ đứng trên thị trường, việc cần thiết là tạo một kênh nhận diện thương hiệu tại các chợ. ảnh: Kim Oanh

Ông Ngô Định-Phó Chủ tịch Hội ND xã Hoà Phước (huyện Hoà Vang) cho biết, hiện phần lớn các loại rau bày bán trên thị trường  không rõ xuất xứ, nguồn gốc, nhất là tại các chợ truyền thống. Trong khi rau VietGAP của nông dân sản xuất luôn khó đầu ra. “Hiện xã Hoà Phước có Tổ hợp tác trồng rau sạch gồm 15 hộ tham gia trồng với diện tích 2ha, tuy nhiên đầu ra bấp bênh. Làm rau theo quy trình sạch, sử dụng phân bón chất lượng, không sử dụng thuốc trừ sâu nên sản lượng rau thấp, chi phí đầu tư lại cao, trong khi rau ra chợ rất rẻ. Tính ra mỗi hộ trổng rau chỉ thu nhập khoảng 70.000-80.000 đồng/ngày. Mà nếu có nguồn tiêu thụ ổn định, lượng rau nông dân sản xuất cũng không đảm bảo bởi thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay. Do vậy, ngoài kiểm soát chặt chất lượng,  thiết nghĩ Nhà nước nên đầu tư hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình khép kín, mới đảm bảo cung cấp cho thị trường” - ông Định cho biết.

Mở kênh nhận diện thương hiệu tại các chợ

 Các ban ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp trên địa bàn thành phố. Chẳng hạn tại các chợ, cần hỗ trợ cho nông dân xây dựng điểm trưng bày, bán rau sạch có thương hiệu và nếu cần thiết hỗ trợ thêm sạp bán...”.
Ông Nguyễn Văn Vân

Hiện nguồn rau trồng ở Đà Nẵng chỉ đáp ứng được từ 5-10% nhu cầu của người dân, còn lại phải nhập ở các tỉnh thành khác về. Tuy nhiên, nghịch lý là nông dân trồng rau sạch đang đau đầu với bài toán đầu ra cho sản phẩm trong khi đại đa số người tiêu dùng lại khó tiếp cận được rau bảo đảm chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Vân-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoà Vang cho biết, hiện vẫn chưa có phân khúc thị trường dành riêng cho sản phẩm rau sạch, và ở các chợ lẻ cũng chưa có khu dành riêng để bán. “Để rau sạch Đà Nẵng đến tay người tiêu dùng, tôi nghĩ, các ban ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp trên địa bàn thành phố. Chẳng hạn tại các chợ, cần hỗ trợ cho nông dân xây dựng điểm trưng bày, bán rau sạch có thương hiệu và nếu cần thiết hỗ trợ thêm sạp bán, giá thành ban đầu để nông dân đưa rau ra thị trường” - ông Vân đề xuất./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem