Tồn đọng rác phế liệu, Tổng cục Hải quan nhận trách nhiệm điều phối, xử lý

Khải Huyền Thứ sáu, ngày 03/08/2018 16:42 PM (GMT+7)
Để xảy ra tình trạng hàng nghìn container rác phế liệu nhập khẩu và tồn đọng tại các cảng biển, Tổng cục Hải quan đã xin nhận trách nhiệm và điều phối, xử lý. Cơ quan này cũng kêu gọi các Bộ, ngành liên quan khác cùng mạnh dạn nhận trách nhiệm để cùng xử lý.
Bình luận 0

Tại cuộc họp khẩn tìm giải pháp xử lý container tồn đọng tại các cảng biển do Cục Hàng hải Việt Nam vừa tổ chức, ông Phạm Minh Hiệu – Chuyên viên Cục Giám sát Quản lý (Tổng cục Hải quan) cho rằng các bên từ chủ hàng, chủ tàu, cảng biển… đều nói mình là nạn nhân.

Về phía Hải quan, Tổng cục Hải quan “xin nhận trách nhiệm” về việc xử lý hàng tồn đọng. Lý do dẫn đến hàng tồn đọng có rất nhiều, từ chủ quan đến khách quan nhưng cơ quan Hải quan là đầu mối xử lý vấn đề này.

Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận các ý kiến về việc thời gian xử lý lô hàng tồn đọng quá lâu. Từ năm 2013 đến nay, ngành Hải quan đã có phân công “nhạc trưởng” xử lý vấn đề này.

Cụ thể, hằng năm, lãnh đạo Cục Hải quan thành phố sẽ thành lập hội đồng xử lý những lô hàng tồn đọng này. Trong trường hợp tồn đọng quá nhiều, sẽ thành hội đồng làm việc suốt năm, còn nếu hàng ít thì sẽ thành lập các hội đồng để xử lý riêng lô hàng đó.

img

Tổng cục Hải quan xin "nhận trách nhiệm" về tình trạng ùn ứ container rác phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển. (Ảnh tư liệu).

Ông Hiệu cũng cho rằng, việc hãng tàu cho rằng họ là nạn nhân là chưa thỏa đáng. Vì Luật Hải quan hiện nay có quy định việc người đi khai hải quan phải chịu trách nhiệm về thông tin hàng hóa mình khai.  

“Đến khi hãng tàu nhận được mô tả hàng hóa doanh nghiệp gởi mà dài lê thê như tiểu thuyết, lằng nhằng như… văn tả cảnh, thì hãng tàu có trách nhiệm xem lại các thông tin trong văn bản. Nếu không xem lại thì việc mô tả hàng hóa sẽ dễ dàng sai sót”, ông Hiệu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiệu, trong tháng 6 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng (TP.HCM) sau khi nhận được văn bản của Tân Cảng về tình trạng tồn đọng các container phế liệu, Tổng cục Hải quan đã có văn bản trình Bộ Tài nguyên Môi trường và báo cáo Thủ tướng các kiến nghị xử lý hàng tồn đọng tại các cảng.

“Chúng ta không thể ưu tiên xử lý các lô hàng tồn ngay bây giờ mà phải thực hiện song song với xử lý hàng tồn và những lô hàng dự kiến sẽ đến trong thời gian tới. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ có hướng dẫn cụ thể trong việc giảm thời gian xử lý xuống”, ông Hiệu cho biết thêm.

img

Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường kiểm tra, đánh giá năng lực của doanh nghiệp trước khi cấp phép đủ điều kiện nhập khẩu rác phế liệu. Ảnh: Thuận Hải.

Cũng liên quan đến việc cấp giấy phép đủ điều kiện nhập khẩu, trong một cuộc họp tại Cục Hải quan TP.HCM mới đây, Cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường trong việc rà soát các hồ sơ xin cấp giấy phép đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, xem xét đánh giá năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

“Nếu họ sản xuất được 1.000 tấn mà xin nhập 10.000 tấn, không có nghĩa là mình sẽ cấp phép cho họ 5.000 tấn mà chỉ cấp đủ lượng hoặc thậm chí ít hơn so với năng lực xử lý. Đồng thời, chỉ cho phép nhập khẩu đối với doanh nghiệp sản xuất, không cấp phép cho doanh nghiệp thương mại”, ông Hiệu đề xuất.

Liên quan đến việc triển khai các thông tin liên quan đến danh mục hàng phế liệu được phép nhập khẩu, danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu… trên Cổng thông tin một cửa, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên Môi trường. Thế nhưng đến nay, cơ quan này vẫn chưa cập nhật các thông tin như đã kiến nghị.

Cuối cùng, ông Thiện chúc các vị khách đại biểu dự họp cùng nhận trách nhiệm trong việc xử lý hàng tồn đọng và vấn đề nhập khẩu phế liệu như hiện nay.

Ông Bùi Thiên Thu – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện việc cấp phép đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu do Bộ Tài nguyên Môi trường chịu trách nhiệm. Năm 2016, Bộ này cấp 60 giấy phép cho các doanh nghiệp và đại lý nhập khẩu phế liệu, năm 2017, cấp 46 giấy phép cho các doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu.

Đối với doanh nghiệp ủy thác, năm 2016 cấp 39 giấy phép, 2017 cấp 30 giấy, 2018 đến hết tháng 5, cấp 59 giấy trong đó 33 dn trực tiếp nhập khẩu và 26 đại lý ủy thác nhập khẩu phế liệu. Ngoài ra, hiện đã có 12 tổ chức được Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ định thực hiện việc giám định các lô hàng phế liệu nhập khẩu về cảng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem