Tổng tấn công việc lạm dụng kháng sinh trong thủy sản

Đình Thắng Thứ ba, ngày 14/06/2016 14:00 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã thông qua kế hoạch mở đợt “tổng tấn công” tình trạng sản xuất kinh doanh trái phép và lạm dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Hoạt động này sẽ diễn ra ở quy mô lớn, trên diện rộng.
Bình luận 0

Vấn nạn gây hại lớn

Tình trạng lạm dụng kháng sinh, bơm tạp chất trong nuôi trồng thủy sản đã diễn ra nhiều năm qua, đây là vấn đề không mới, tuy nhiên đến nay vẫn làm đau đầu từ các hộ nuôi, doanh nghiệp làm ăn chân chính cho đến các cơ quan quản lý nhà nước.

Mới đây, vào giữa tháng 5, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư thông báo rằng biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn chưa khắc phục được vấn đề lạm dụng hóa chất kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản xuất khẩu.

EU cũng cảnh báo các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam sẽ bị đưa ra khỏi danh sách được phép xuất khẩu vào thị trường này trong trường hợp có lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh bị cấm theo quy định.

img

Bộ NNPTNT sẽ mở đợt tổng tấn công quét sạch tình trạng sản xuất kinh doanh sử dụng
hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.  Ảnh: T.L

“Các doanh nghiệp chế biến cần thường xuyên thực hiện lấy mẫu để xác định dư lượng khi thu hoạch. Cần thực hiện sản xuất theo chuỗi, có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, nhất là giữa doanh nghiệp và người nuôi. Doanh nghiệp và người nuôi cần có cam kết và hỗ trợ kỹ thuật...”.

Ông Trần Công Khôi

Các doanh nghiệp trong nước đang rất lo lắng về việc cá tra nhiễm kháng sinh khiến cho các lô hàng của họ không thể xuất khẩu được. Tình trạng bơm tạp chất vào tôm đã lan rộng ra các địa phương Ninh Thuận, Bình Thuận, thậm chí lan tới Cần Thơ...

Trao đổi với NTNN, ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dư lượng kháng sinh thủy sản vượt ngưỡng khi thu hoạch. Khi thủy sản bị bệnh, người dân sử dụng kháng sinh (có thể đúng liều lượng hoặc không), nếu sau khi sử dụng kháng sinh mà không có hiệu quả, vật nuôi chết nhiều hơn, thì người nuôi buộc phải thu hoạch ngay và bán giá rẻ, do vậy không đảm bảo thời gian cách ly để đào thải kháng sinh.

Các cơ sở thu mua từ nhiều nguồn, nhiều cơ sở nuôi khác nhau do vậy, việc kiểm soát dư lượng rất khó khăn. Khi doanh nghiệp chế biến thu mua, chế biến rất khó thực hiện kiểm soát dư lượng kháng sinh, vì chỉ thực hiện kiểm soát theo tần xuất mẫu không thể thực hiện kiểm soát 100% mẫu. Một số trường hợp sử dụng thuốc để phòng bệnh hoặc sử dụng thuốc không đúng loại bệnh, tác nhân gây bệnh hoặc không đảm bảo thời gian cách ly”.

Hiện nay, tại các cơ sở nuôi quy mô lớn, có công nghề nuôi hiện đại, các cơ sở nuôi áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP..., việc kiểm soát kháng sinh khá tốt. Tuy nhiên, theo ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT): “Ở các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, việc kiểm soát sử dụng kháng sinh không tốt. Thực tế hiện nay đã có quy trình công nghệ tốt, tránh dịch bệnh được phổ biến tới người nuôi, có một số ít do nhận thức chưa đầy đủ nên vẫn để xảy ra tình trạng trên”.

Xử nghiêm, truy tận gốc

Chia sẻ với NTNN, ông Dương Tiến Thể cho biết: “Hiện nay Cục Thú y đã xây dựng xong kế hoạch mở đợt tổng tấn công quét sạch tình trạng sản xuất kinh doanh trái phép và lạm dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thông qua kế hoạch này. Cục Thú y cùng Thanh tra Bộ NNPTNT, Tổng cục Thủy sản và các cơ quan quản lý địa phương sẽ tham gia chiến dịch này nhằm quản lý ngăn chặn sử dụng kháng sinh từ khâu nhập khẩu sản xuất kinh doanh. Bộ NNPTNT đã vào cuộc rất quyết liệt, và sẽ vào cuộc khẩn trương để dẹp bỏ tình trạng này sớm nhất”.

Để khắc phục tình trạng sản xuất kinh doanh sử dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho rằng: “Các doanh nghiệp chế biến cần thường xuyên thực hiện lấy mẫu để xác định dư lượng khi thu hoạch. Cần thực hiện sản xuất theo chuỗi, có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, nhất là giữa doanh nghiệp và người nuôi. Doanh nghiệp và người nuôi cần có cam kết và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình nuôi. Các cơ sở nuôi cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập các tổ, nhóm sản xuất, thành lập các hợp tác xã, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến như nuôi theo VietGAP và các chứng nhận chất lượng khác, tiến tới vùng nuôi được chứng nhận chất lượng.

Theo ông Khôi, mục tiêu của Bộ NNPTNT trong đợt “tổng tấn công” sắp tới là chấm dứt tình trạng sản xuất kinh doanh, sử dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Bộ trưởng NNPTNT đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, nhiều đơn vị từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc, thanh kiểm tra không sót  hộ nào, không thiếu một cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc nào. “Đợt này chúng tôi sẽ làm mạnh, sử dụng nhiều biện pháp cùng một lúc, từ phạt hành chính, tiêu hủy hàng, cấm sản xuất kinh doanh trong một năm…” - ông Khôi nêu rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem