Trái cây ĐBSCL: Đến hẹn lại... tắc đầu ra và nỗi buồn được mùa

Đức Khánh - Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 18/06/2014 07:11 AM (GMT+7)
Vừa mới chớm bước vào vụ thu hoạch, hàng loạt mặt hàng nông sản chủ lực ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (BĐSCL) đã tắc đầu ra, khiến giá bán giảm sâu.
Bình luận 0

Nỗi buồn… được mùa

Các nhà vườn trồng thanh long ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An đang vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, giá cả của mặt hàng nông sản này những ngày qua đang giảm mạnh, khiến cho nông dân như ngồi trên “đống lửa”. Ngày 17.6, theo ghi nhận của phóng viên NTNN, giá thanh long ruột đỏ loại 1 chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg (2 tháng trước đó có giá từ 60.000-65.000 đồng/kg).

Không riêng gì ở Long An, hàng nghìn nhà vườn ở miền Tây đang lo sốt vó vì giá cả các loại hoa trái tiếp tục chiều hướng sụt giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh long ruột đỏ xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, cho biết:

“Hiện nay, doanh nghiệp đến mua thanh long với giá 10.000 – 12.000 đồng/kg (đối với thanh long loại 1). Còn thanh long thường (ruột trắng) có giá khoảng 3.000-4.000 đồng/kg. Giá xuống có thể là do đang trong giai đoạn thu hoạch rộ nhiều loại nông sản và ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc, khiến sức mua thanh long không cao”.

Cũng trong ngày 17.6, theo tìm hiểu của chúng tôi, giá chôm chôm, dâu bòn bon, ổi Đài Loan… cũng đang giảm mạnh. Tại huyện Chợ Lách - nơi có diện tích trồng chôm chôm lớn nhất tỉnh Bến Tre, giá đã giảm gần một nửa so với đầu mùa thu hoạch.

Cụ thể, thương lái mua tại vườn 5.000 đồng/kg đối với chôm chôm thường; 7.500 đồng/kg đối với chôm chôm Thái; 8.000 đồng/kg đối với chôm chôm nhãn. Theo nhiều nhà vườn ở Vĩnh Long và Sóc Trăng, giá ổi Đài Loan bán tại vườn chỉ còn từ 2.000-3.000 đồng/kg; ổi Thái có giá 5.000 đồng/kg (giảm một nửa). Riêng tại huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ, giá dâu bòn bon rớt chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Lão nông Hồng Lộc chuyên trồng ổi ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, than vãn: “Buồn quá mấy chú ơi, giá giảm đã làm cho nhiều nhà vườn ở đây đốn bỏ cây ổi, số diện tích chưa đốn thì không ai chăm sóc, cho năng suất không cao”. Còn lão nông Tám Bính ở huyện Phong Điền, Cần Thơ thì than, năm nay dâu trúng mùa chín vàng rực, mỗi ha cho từ 40-50 tấn, cao gấp đôi so với trung bình mọi năm, song ngặt nỗi chẳng có ai thèm mua.

Giá chỉ giảm tạm thời

Bên cạnh các loại trái cây được trồng với diện tích lớn, dẫn tới giá giảm liên tục, cây măng cụt ở miền Tây dù diện tích trồng rất ít, song theo ghi nhận của chúng tôi, tại Bến Tre hiện giá mặt hàng trái cây này bán tại vườn chỉ còn 25.000 đồng/kg (loại trái to) thay vì hơn 40.000 – 50.000 đồng/kg như trước đây.

Nói về khó khăn trong việc tiêu thụ các loại quả hiện nay, ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết: “Toàn huyện có khoảng 500/3.500ha chôm chôm đang trong giai đoạn thu hoạch. Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ tháng 6, người dân thu hoạch rộ, nguồn cung vượt cầu thì giá sẽ giảm cho đến hết tháng 8”.

Theo PGS - TS Nguyễn Minh Châu (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam), để tránh hiện tượng “trúng mùa, mất giá”, con đường duy nhất là nông dân cần phải nâng cao chất lượng nông sản, sản xuất đúng yêu cầu thực hành nông nghiệp tốt GAP (VietGAP, GlobalGAP), bảo đảm tính an toàn tuyệt đối của nông sản, ghi chép sổ sách để truy nguyên được nguồn gốc…

Còn ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết: “Tổng diện tích thanh long của toàn tỉnh là 4.500ha, trong đó diện tích đang cho trái là khoảng 3.000ha. Thời điểm này năm nào thanh long cũng bị tụt giá do đây là vụ chính, các vùng trồng thanh long trên cả nước đều thu hoạch. Thời gian tới, giá thanh long có thể sẽ tăng trở lại”.

Để giải quyết vấn đề này, ông Công Hoàng Bạch- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Long An cho rằng, việc thành lập hiệp hội thanh long là cần thiết cho các hợp tác xã và nông dân vùng thanh long trong tỉnh. Hoạt động của hiệp hội nhằm chia sẻ thông tin, hợp tác trong sản xuất và tiếp thị để thực hiện mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu, mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho nhà nông.

“Thực tế trước đây, nhà vườn trồng thanh long vẫn phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn như giá cả bất ổn, không kiểm soát được thị trường, không có sự liên kết cùng nhau nên hoạt động tiêu thụ phải phụ thuộc vào thương lái. Nếu được thành lập hiệp hội thanh long, các khó khăn trên được loại bỏ, đồng thời sẽ giúp ổn định thị trường và giảm bớt tính quyết liệt trong cạnh tranh” – ông Bạch nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem