Trồng 10 cây sâu hại chết 3, nông dân ngán ngẩm cây thuốc lá

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 27/03/2017 10:03 AM (GMT+7)
Trước đây, cây thuốc lá vàng được coi là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu (Tây Ninh) và TP.HCM, tuy nhiên, năm nay thời tiết thất thường cùng với sâu bệnh hoành hành khiến năng suất thuốc lá giảm mạnh. Nhiều hộ đã phải bỏ cây thuốc, quay về trồng ớt, ngô, đậu...
Bình luận 0

Trồng 10 cây, 3 cây bị sâu bệnh tấn công

Trồng hơn 2 mẫu thuốc tại xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu), anh Mai Văn Đỏ cho biết, cứ một luống trồng 10 cây thuốc lá thì có 2 – 3 cây bị sâu bệnh làm quắn đọt, lá nhỏ và chậm phát triển. “Bệnh này không có thuốc chữa. Nhiều hộ trồng gần khu dân cư còn bị ảnh hưởng nhiều hơn. Chưa kể đợt trước tết mưa nhiều làm cây thuốc thối gốc, nhiều người phải trồng dặm lại cây mới hoặc chuyển sang trồng ớt” – anh Đỏ cho biết.

Anh Đỏ nhẩm tính, trung bình 1ha đất nếu thuận lợi nông dân có thể thu 3 – 3,5 tấn lá thuốc, tuy nhiên năm nay diện tích thuốc lá của gia đình anh thiệt hại khoảng 30%. “Lá thuốc bẻ xong phải sấy khô 1 tuần mới phân loại. Nhiều khi lá hái xuống rất tươi tốt, nhưng sấy khô xong chưa chắc đã đạt chất lượng” - anh Đỏ cho biết.

img

  Xâu lá thuốc thành từng bó chuẩn bị sấy khô.   ảnh: Nguyên Vỹ

Tại huyện Trảng Bàng, anh Trần Văn Sơn trồng 1,5ha nhưng lá thuốc không lớn như các mùa trước, khiến năng suất vụ này giảm hơn 1 tấn lá. Anh Sơn kể: “Lá thuốc sau khi  bẻ sẽ được xâu lại thành từng bó để đưa về lò sấy. Thường phải 5 – 7kg lá tươi mới thu được 1kg lá khô. Chủ lò sấy sẽ thu mua lại toàn bộ để bán cho nhà máy, nông dân chỉ việc phân loại và giao hàng”.

Theo đó, chất lượng lá thuốc được phân làm 5 loại. Loại tốt nhất có giá 40.000 đồng/kg, loại hai 38.000 đồng/kg, loại ba 30.000 đồng/kg, loại bốn dao động từ 20.000 – 24.000 đồng/kg, loại tận thu thì chỉ 8.000 đồng/kg.

Anh Sơn cho biết, cây thuốc lá từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng nửa năm, nhưng tốn rất nhiều công chăm sóc. Bên cạnh đó, giá bán thuốc lá luôn bấp bênh, cộng với thời tiết thất thường, công lao động ngày càng tăng nên bà con không còn mặn mà với cây thuốc lá như trước, nhiều hộ đã rục rịch chuyển sang trồng ớt, ngô, đậu...

Bao giờ hết cảnh “may nhờ rủi chịu”?

Theo Phòng NNPTNT huyện Trảng Bàng, từ năm 2013 đến 2015, có thời điểm toàn huyện trồng 500 – 600ha cây thuốc lá, đạt hơn 150% kế hoạch; tuy nhiên mùa thuốc lá 2016-2017, diện tích ước chỉ còn khoảng 350ha.

Không trồng thuốc lá như người dân ở Tây Ninh, người dân các huyện ngoại thành TP.HCM lại chủ yếu trồng cây thuốc lào vì thích hợp vùng đất nhiễm phèn.

Là người có thâm niên trong nghề, ông Kiều Anh Dũng (huyện Hóc Môn) cho hay nghề trồng thuốc lào cực khổ từ khâu khai hoang, vỡ đất đến khi thu hoạch. Người biết trồng cũng “5 ăn 5 thua” vì cây thuốc lào đỏng đảnh, nắng không ưa, mưa không chịu, đất có phèn thì thuốc mới ngon mà phèn nhiều quá thì cây con lại chết sớm.

Nhưng đất phèn là một chuyện, thời tiết thất thường mới là điều làm nông dân lo lắng. “Có năm, người ta cắt lá xong hết chỉ chờ phơi bán, bất ngờ nửa đêm trời mưa gió, lá thuốc ướt hết, thương lái hạ giá chỉ còn 1/10 giá ban đầu. Coi như trắng tay vì nhiều phần phải bỏ” - ông Dũng kể.

Ở ruộng thuốc kế bên ruộng ông Dũng, anh Trương Ngọc Hải cho biết năm nay mưa nhiều, nông dân vào vụ mới trễ hơn 1 tháng so với mọi lần. Nhưng qua tết, trời tiếp tục mưa làm lá thuốc chậm lớn, chất “nhựa” làm nên độ ngon của lá thuốc cũng bị trôi theo nước mưa. Anh Hải cho biết, kể từ lúc ươm cây đến khi thu hoạch chỉ hơn 3 tháng, nhưng tính từ lúc làm đất, vun luống phải mất gần 6 tháng. Một đám đất thường chỉ trồng 2 – 3 vụ thuốc lào là phải bỏ vì hết phèn. Nông dân lại quay sang trồng lúa, trồng rau hoặc bỏ hoang 1 năm rồi mới làm thêm một mùa thuốc lào nữa. Mùa này anh Hải thuê đất trồng 2ha nhưng chỉ thu được hơn 3 tấn lá tươi.

Lá cây thuốc lào có giá bán cao hơn thuốc lá vàng, dao động từ 350.000 – 370.000 đồng/kg. Tiền công và vốn bỏ ra trồng thuốc khoảng 150 – 200 triệu đồng/ha. Một mùa thuốc, nông dân có thể lời 50 – 100 triệu đồng, nhưng cũng có người huề hoặc lỗ vốn là chuyện bình thường.

“Nghề này không biết trước được may rủi vì tới lúc phơi khô mới biết thuốc có đạt hay không. Thương lái lại khó tính. Có người chỉ cần ngửi mùi có thể đoán được chất lượng thuốc mà ra giá. Nhưng đất bị nhiễm phèn, nếu may mắn, trồng thuốc lào vẫn cho thu nhập khá hơn các cây trồng khác” - anh Hải chia sẻ. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem