Trồng cam xoàn: Cần ít nhân công nhưng lãi cao, bền vững

Thứ năm, ngày 24/11/2016 15:24 PM (GMT+7)
Được xướng tên tại buổi lễ tuyên dương “Nông dân làm kinh tế giỏi thành phố Cần Thơ”, mô hình trồng cam xoàn của hộ gia đình anh Võ Văn Thơm, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền đã nhận được sự quan tâm của giới chuyên gia cũng như nhiều nhà nông. Đây là mô hình có hiệu quả kinh tế cao, bền vững nhưng cần ít nhân công.
Bình luận 0

Lần theo con đường nhựa nông thôn quanh co ôm sát dòng kênh, chúng tôi tìm đến nhà anh Thơm. Đó là căn nhà cao ráo, thoáng mát, lọt thỏm giữa vườn cam mật xanh mướt. Nghe tiếng khách gọi, vợ chồng anh Thơm tạm gác việc tỉa cành dở dang ngoài vườn, xởi lởi chạy vào nói: “Thông cảm cho tui, không ra vườn là cứ thấy thiếu thiếu, buồn chân buồn tay!”. Bên đĩa cam xoàn vườn nhà ngọt thanh đãi khách, anh Thơm mở đầu câu chuyện bằng việc chia sẻ về cơ duyên đến với quyết định gây dựng vườn cam xoàn trên 1.000 gốc như hiện nay.

img

Ảnh minh họa

Anh tâm sự, năm 2013, vườn nhà anh trồng dâu Hạ Châu như hầu hết các hộ trong xã, thu nhập cũng không tồi. Nhưng nhận thấy, hạn chế của phương thức trồng đại trà hàng loạt chính là vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Bởi loại trái cây này chỉ chín rộ khoảng 2 tháng trong năm, vào chính vụ giá giảm giá mạnh. Trong khi đó, khâu bảo quản của loại trái cây này là rất khó do dâu chín vỏ sẽ chuyển qua màu sậm rất xấu, ảnh hưởng tính thẩm mĩ, làm mất giá. 10 tháng còn lại trong năm, cây không cho trái nhưng vẫn tốn nhân lực và chi phí cho các khâu chăm sóc, diệt sâu...Còn đối với cam Xoàn thì khác, khi cây từ 3 năm tuổi trở lên sẽ cho trái quanh năm mà hầu như người trồng chỉ cần duy trì chế độ chăm sóc cơ bản, nên sẽ không tốn nhân lực.

Với diện tích 9.000 m2 , 1.000 gốc cam xoàn nhưng hai vợ chồng anh Thơm chăm sóc "khỏe ru". Theo anh Thơm, chỉ cần chú ý giai đoạn cây trổ nhánh, người trồng quan sát thế cây để cắt tỉa cành phụ, giữ lại cành khỏe mạnh để đảm bảo mật độ trái vừa phải. Đến giai đoạn cây trổ bông cần tỉa bớt bông ở những chùm nhiều. Cách làm này giúp tỷ lệ đậu trái cao và cây cũng không bị quá sức. Theo ước tính sơ bộ, mỗi cây sẽ cho thu hoạch 20kg trái. Tổng sản lượng vườn đạt khoảng 20 tấn/năm, chia làm 4 đợt trong năm, tương đương 500 triệu đồng. Trừ khoảng 10% chi phí, anh thu về 450 triệu đồng. Giá cam xoàn ít biến động, do đó gia đình anh có thu nhập cao và ổn định.

Lợi nhuận khá tốt như vậy, nhưng theo khuyến cáo của anh Thơm, bà con không nên trồng ồ ạt theo phong trào nếu chưa trang bị đầy đủ kiến thức về giống cây mới. Cây cam xoàn có đặc tính phát triển mạnh, thích nghi với những vùng đất cao ráo, thoát nước tốt, ít nhiễm phèn, mặn. Trong khi đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây diễn biến xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Vì thế, để giống cam xoàn thuần thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng như Cần Thơ, cần phải được lai tạo, nâng khả năng chống chọi với phèn, mặn. Ngoài ra, cũng cần trồng xen canh một số giống cây khác để tạo độ phì nhiêu, cân bằng cho đất, tránh tình trạng cây bị suy thoái.

Không giấu giếm bí quyết tăng độ phì nhiêu cho đất, anh Thơm vui vẻ chia sẻ, trong vườn cam mình lựa chọn trồng xen canh cây vú sữa và cây sầu riêng. Lý do lựa chọn hai loại cây này là bởi, Sầu riêng thân cao, chắc khỏe nên bảo vệ cho vú sữa giảm gãy cành do mưa gió, không ảnh hưởng đến diện tích phủ tán của cam. Những cây trồng xen canh này giúp anh có thêm khoản thu nhập tốt.

Cây cam xoàn có khả năng chống chọi bệnh tật tốt, ít bị sâu bệnh phá hoại. Vỏ cam không bị nám vào mùa nắng, mùa mưa không hư thối, trái đẹp quanh năm. Nhưng thực tế sản xuất cũng phát sinh tình trạng các nhà vườn đang phải đối mặt với ruồi vàng. Ruồi chích vào trái cam sẽ gây hiện tượng cam bị thối ruột, không tiêu thụ được. Hiện anh Thơm đang sử dụng phương pháp bẫy dẫn dụ ruồi đực bằng hợp chất có mùi của ruồi cái. Với phương pháp này, khi ruồi đực lọt vào bẫy sẽ bị chất nhầy bám dính không thoát ra được. Ruồi đực bị tiêu diệt thì tỷ lệ sinh sản ruồi trong tự nhiên sẽ giảm đáng kể.

Anh Thơm cũng đưa ra một lưu ý nhỏ đối với người tiêu dùng khi chọn sản phẩm. C am xoàn là giống cam cùng họ với cam mật nên bề ngoài khá giống với cam mật. Nhưng điểm khác biệt giữa cam xoàn với cam mật và các giống cam khác là đầu dưới của trái cam xoàn có dấu tròn như đồng xu, nên giống cam này còn có tên gọi khác là "cam đồng xu". Việc phân biệt như vậy sẽ giúp khách hàng lựa chọn đúng trái cam ngon vì giá thành của loại cam này đắt gấp 3 lần cam mật, dù bề ngoài khá giống nhau. Cam xoàn có vị ngọt thanh, mùi thơm nhẹ, múi chắc hơn các loại cam khác. Khi cam chín, trọng lượng trung bình đạt khoảng 300gr, trái càng nhỏ, vị càng ngọt thanh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Khánh Đặng Văn Bé Ba cho biết, mô hình trồng cam xoàn của hộ anh Võ Văn Thơm được chọn là mô hình kinh tế nổi bật của thành phố Cần Thơ năm 2015. Đây là mô hình canh tác thân thiện với môi trường, đề cao tính sáng tạo của nông dân trong quá trình sản xuất, góp phần xây dựng thương hiệu sạch cho trái cây Cần Thơ.

P.V (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem