Trồng rau cạnh bãi rác lại cho là... rau sạch

Lê San Thứ ba, ngày 10/05/2016 10:03 AM (GMT+7)
“Thông tin về an toàn thực phẩm đang bị hiểu nhầm rất nhiều. Người ta trồng rau cạnh bãi rác lại cho rằng đó là rau sạch”. Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam chia sẻ tại hội thảo Chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn, chiều 9.5.
Bình luận 0

Hội thảo được Bộ NNPTNT tổ chức trong khuôn khổ tuần lễ giới thiệu Nông sản an toàn và Chương trình “Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch” (từ 6-12.5).

Rau an toàn vẫn bị hiểu nhầm

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, hiện nay nhiều người vẫn bị hiểu lầm về rau an toàn. “Tôi là kỹ sư nông nghiệp và cũng có nhiều người bạn là chuyên gia nông nghiệp. Nhưng đến cả họ vẫn có người hiểu nhầm về rau an toàn. Một anh bạn của tôi trồng rau ở ngay cạnh khu rác thải, nước đen ngòm nhưng vẫn cho rằng đó là rau sạch. Khái niệm thực phẩm sạch đang bị nhầm lẫn nhiều” – ông Hưng nhấn mạnh.

img

Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam , các bộ ngành đến tham quan các gian hàng. Ảnh: Trần Quang

Ông Phạm Thế Cường - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Sơn La chia sẻ: Trong xây dựng, tổ chức chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, việc giám sát, kiểm soát tại hiện trường là khó nhất. Có khi cả năm mới cung cấp ra thị trường được một sản phẩm sạch”.

Theo ông Cường, từ năm 2013 chi cục đã triển khai xây dựng mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng “Rau an toàn Mộc Châu”, đến nay đã được công nhận thương hiệu và nhân rộng ra 4 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Mỗi hộ nông dân độc lập rất khó làm chuẩn, thành lập tổ hợp tác, xây dựng HTX là tốt nhất.

“Đầu tiên, động viên bà con sản xuất rau an toàn để mang về bán tại siêu thị Hà Nội rất khó. Nhưng sau khi thống nhất chủ trương, chúng tôi tiến hành chọn vùng sản xuất, thành lập được 3 HTX chế biến là Tự Nhiên, Tà Niết và An Thái. Cuộc chiến giám sát là chông gai nhất. Phải có giám sát hiện trường. Chúng tôi cử viên chức phối hợp với các cơ quan chức năng lúc mới triển khai thì giám sát liên tục trong ngày, đến khi bà con làm quen và tự giác hơn thì mới giảm việc giám sát; khuyến cáo và đưa ra kỷ luật nghiêm khắc đối với bà con nếu vi phạm. Không tự ý bán ra ngoài khi giá cao hơn hợp đồng đã ký. Ban giám đốc HTX cương quyết không bao tiêu những sản phẩm không đạt yêu cầu của xã viên và xử lý nghiêm theo điều lệ HTX” – ông Cường cho hay.

Hỗ trợ xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn

Theo báo cáo của Bộ NNPTNN, tính tới tháng 4.2016, có 35 tỉnh, thành đã có mô hình chuỗi cung cứng nông sản an toàn với tổng số 280  chuỗi. Sản phẩm chính: Rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thuỷ sản. 69 cơ sở bán sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận. Một số địa phương khác có các mô  hình VietGAP...

Theo Bộ NNPTNT, chuỗi thực phẩm an toàn là tập hợp các tác nhân có mối liên kết chặt chẽ, ổn định và bền vững về kinh tế/thương mại cùng tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, áp dụng các thực hành sản xuất tốt để tạo ra một sản phẩm an toàn, có khả năng truy xuất được nguồn gốc.

Ông Nguyễn Tiến Hưng nêu thực tế, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nói chung và rau quả an toàn nói riêng cần lượng vốn lớn và thời gian dài, nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn. Ngoài ra việc hỗ trợ phân tích đa dư lượng rất tốn kém, một tháng  5 – 7 lần là cả vấn đề. Đang trong thời gian đầu nên cần có hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người sản xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ ban hành quy định xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. Trong năm 2016 - Năm an toàn thực phẩm, Bộ sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm đối với chất cấm, vật tư đầu vào trái với quy định, nhập lậu; tăng cường công tác truyền thông, nêu gương các tổ chức cá nhân sản xuất thực phẩm an toàn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem