Trường nghìn tỷ của Đại học Thủy lợi "ế" vì sinh viên buồn, nhớ bạn

Nguyên Linh Thứ ba, ngày 22/05/2018 14:36 PM (GMT+7)
Dư luận hiện đang quan tâm đến vụ việc khu trường nghìn tỷ của Đại học Thủy lợi- cơ sở Phố Hiến (Tiên Lữ, Hưng Yên) đã bị bỏ lãng phí vì "ế" sinh viên. Theo một nguồn tin của Dân Việt, khu trường này được đầu tư trên tổng số vốn hơn 1.100 tỷ đồng và khởi công xây dựng từ năm 2014, đến cuối năm 2017 đã được quyết toán vốn và đưa vào khai thác.
Bình luận 0

Vì sao chuyển trường từ Chương Mỹ về Hưng Yên?

Theo tìm hiểu, trên thực tế chủ trương xây dựng cơ sở mới của Trường Đại học Thủy lợi đã được khởi động từ năm 2005 nhằm đáp ứng "Chiến lược phát triển trường Đại học Thủy lợi giai đoạn 2006 - 2020 với quy mô đào tạo đến năm 2020 của trường là 22.420 sinh viên. Tuy nhiên, cơ sở 175 Tây Sơn (Hà Nội) không đạt yêu cầu.

Trước yêu cầu trên, ngày 1.12.2005, Trường Đại học Thủy lợi có văn bản số 1178/ĐHTL-TH gửi UBND tỉnh Hà Tây về việc xin cấp đất cho trường Đại học Thủy lợi. Sau đó, đến năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây đã có ra văn bản đồng ý về chủ trương thực hiện "Đề án mở rộng trường Đại học Thủy lợi đặt tại địa bàn huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây”.

img

Một góc Trường Đại học Thủy lợi- cơ sở Phố Hiến (Tiên Lữ, Hưng Yên) đã được hoàn thành. Ảnh: Báo Hưng Yên.

Tiếp đó, Trường Đại học Thủy lợ đã bắt tay vào triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Với vai trò quan trọng của Trường Đại học Thuỷ lợi đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các hệ thống thuỷ nông và các hệ thống công trình phòng chống thiên tai, Chính phủ và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đồng ý đưa Hợp phần xây dựng cơ sở mở rộng Trường Đại học Thuỷ lợi vào Dự án ADB5.

Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến hơn 1.660 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn: Vốn Vay ADB hơn 1.063 tỷ đồng; vốn đối ứng (ngân sách nhà nước, vốn tự huy động và của Trường Đại học Thủy lợi): 601,637 tỷ đồng (trong đó vốn đền bù GPMB tăng từ 60 tỷ lên 481,5 tỷ đồng do áp dụng chính sách đền bù mới, dưới tác động của Nghị định 69 và của việc sáp nhập Hà Tây với Hà Nội). Quy mô dự án đáp ứng nhu cầu đào tạo cho 13.400 SV và 4.022 chỗ ở nội trú cho sinh viên.

Tuy nhiên, sau đó do khó khăn về việc bố trí nguồn vốn đền bù giải phóng mặt bằng tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội (481,473 tỷ đồng) nên tháng 7.2011, Bộ NNPTNT đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị chuyển địa điểm đầu tư dự án Xây dựng cơ sở mở rộng Trường Đại học Thủy lợi.

Sau đó, đến tháng 9.2011, Văn phòng Chính phủ có văn bản đồng ý chuyển địa điểm xây dựng cơ sở mở rộng Trường Đại học Thủy lợi về khu Đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên.

Ngày 17.7.2012, Bộ NNPTNT đã có Quyết định 1663 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại địa điểm: Khu Đại học Phố Hiến tỉnh Hưng Yên. Trong đó đầu tư giai đoạn 1 với diện tích là 56,35 ha. Tổng mức đầu tư là: 1.421,54 tỷ đồng. Nguồn vốn bao gồm: Vốn vay ADB là:1.238,458 tỷ đồng (59,5 triệu USD); Vốn trong nước là: 183,082 tỷ đồng (8,79 triệu USD). (Vốn NSNN: 139,971 tỷ đồng và Vốn hợp pháp của Trườnglà: 43,111 tỷ đồng). Quy mô dự án: Đáp ứng giảng đường lớp học và hạ tầng cơ sở cho 13.400 SV và chỗ ở ký túc xá cho khoảng 30% số sinh viên.

img

Khu trường nghìn tỷ được ví đang vắng như "chùa Bà Đanh". Ảnh: Báo Lao động.

Và từ tháng 3.2014 đến tháng 12.2016, dự án đã được khởi công xây dựng. Sau khi hoàn thành các gói thầu, Nhà trường trình Bộ NNPTNT phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và Bộ đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xuống còn: 1.137,354 tỷ đồng; Cơ cấu nguồn vốn: vốn vay ADB là: 986,103 tỷ đồng (43.279.631 USD),vốn trong nước là: 151,250 tỷ đồng (6.638.162 USD); Vốn NSNN: 142,613 tỷ đồng và Vốn trường Đại học Thủy lợi là: 8,637 tỷ đồng.

Đến tháng 12.2017, Trường Đại học Thủy lợi đã trình Bộ NNPTNT phê duyệt quyết toán các gói thầu của dự án và về cơ bản nguồn vốn đã được quyết toán xong.

"Ế" do sinh viên... buồn chán, nhớ bạn, xa trung tâm Hà Nội

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi dự án hoàn thành, Đại học Thủy lợi đã tổ chức đào tạo học kỳ 2 cho toàn bộ sinh viên K58 tại Cơ sở Hưng Yên với số lượng gần 3.000 sinh viên. Với sự điều chỉnh này đã góp phần giảm tải đáng kể cho cơ sở Hà Nội (không có hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại cổng trường vào buổi sáng, buổi chiều; sĩ số sinh viên trong lớp được giảm, …). Hiện tại, trường cũng đang tổ chức đào tạo Giáo dục Quốc phòng - An ninh cho sinh viên K59.

Tuy nhiên, việc đưa sinh viên về cơ sở này, ngay sau đó đã gặp nhiều khó khăn, do Trường ĐHTL là trường đầu tiên tổ chức đào tạo tại Khu đại học Phố Hiến nên cơ sở hạ tầng của khu đại học: Kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng thể dục, thể thao, thư viện,… chưa có.

Ngoài ra, qua tìm hiểu nhiều sinh viên phải xa bạn bè học tập ở các trường đại học khác, chưa có môi trường học tập tập trung,… dễ gây buồn chán trong sinh viên; Hệ thống môi trường xã hội phù trợ: như việc làm thêm để tăng thêm thu nhập của đại bộ phận SV chưa có, chưa đáp ứng yêu cầu; Tâm lý trong sinh viên là được học tập tại các khu đô thị tập trung như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn còn nặng nề.

img

Cận cảnh cơ sở vật chất của Đại học Thủy lợi- cơ sở Phố Hiến. Ảnh: ĐHTL.

Chính bởi các yếu tố đó đã tác động này đã ngay lập tức ảnh hưởng rất tiêu cực đến Đại học Thủy lợi trong công tác tuyển sinh. Theo một con số mà Dân Việt nắm được, đầu năm 2017, trường chuyển sinh viên K58 xuống cơ sở Phố Hiến học, thì trong năm 2017 lần đầu tiên Nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh (chỉ tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu).

Sau khi đưa sinh viên về Hưng Yên bất thành, ĐH Thủy lợi đã phải đưa 3.000 sinh viên K58 trở lại Hà Nội; còn cơ sở ở Hưng Yên chủ để tổ chức các lớp bồi dưỡng, các khóa học ngắn hạn, khóa học chuyên ngành,… phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ:

Có lãng phí hay không phải kiểm tra

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động sáng nay 22.5 bên hành lang Quốc hội về ngôi trường nghìn tỷ này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Có lãng phí hay không phải kiểm tra, thông tin này tôi có biết, nhưng phải kiểm tra. Chủ trương dãn các trường ra khỏi thành phố là chủ trương đúng, một số trường có nhu cầu đào tạo cao nhưng đất đai hẹp cùng với tính chất nhiệm vụ của ngành thủy lợi nên phải ra ngoại ô là chủ trương đúng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện, tuyển sinh phải kiểm tra xem hiệu quả đến đâu, không nên nhìn 1 năm hay 1 học kỳ mà với đại học phải nhìn dài hơn vì phải xây dựng, chuyển".

*Để làm rõ hơn những giải pháp mà Trường Đại học Thủy lợi sẽ xử lý trong thời gian tới, PV Dân Việt đã liên hệ qua điện thoại với GS.TS. Trịnh Minh Thụ- Hiệu trưởng; song ông Thụ cho biết hiện đang bận đi công tác và giao cho Hiệu phó Trần Viết Ổn trả lời báo chí. Tuy nhiên, khi PV Dân Việt liên hệ với ông Ổn, thì ông Ổn cho biết: Chưa nhận được phân công trả lời báo chí của Hiệu trưởng.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem