Trăn trở bài toán cây lúa ở Tứ giác Long Xuyên

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 18/05/2017 16:21 PM (GMT+7)
Trong 2 ngày (16 và 17.5), tại TP.Long Xuyên, An Giang, UBND 4 địa phương An Giang, Kiên Giang, TP.Cần Thơ và Hậu Giang phối hợp tổ chức hội thảo “Liên kết tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX): Thách thức và tầm nhìn”.
Bình luận 0

Hội thảo nhằm lấy ý kiến các nhà khoa học, đại diện các địa phương, doanh nghiệp để thành lập Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng TGLX” trình Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 6 tới.

Trăn trở bài toán cây lúa

img

Giảm diện tích lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ giúp nhà nông nâng cao thu nhập (Trong ảnh: Nhà nông huyện Châu Thành, An Giang trồng màu nâng cao thu nhập). H.X

Tiểu vùng TGLX gồm có 3 tỉnh (An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ) với tổng diện tích tự nhiên là 488.935ha (chiếm gần 12% diện tích vùng ĐBSCL) và dân số là 1,8 triệu người (chiếm 10,12% vùng ĐBSCL). Trong đó, diện tích lúa 811.000ha (chiếm 18,8% diện tích lúa vùng ĐBSCL). Gần đây do nhiều nguyên nhân, tỉnh Hậu Giang được ghép chung vào tiểu vùng này.  

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết: “Kể từ năm 2002, diện tích lúa ở tiểu vùng TGLX bắt đầu tăng lên nhiều lần. Do diện tích tăng nên đê bao cũng được đầu tư xây dựng theo và đã vô tình làm mất phần không gian chứa lũ. Đây là lý do, vào mùa khô lượng nước bên ngoài đê và các khu vực thành phố dâng lên cao, gây ngập nhiều nơi”.

Cũng theo thạc sĩ Thiện, một số nghiên cứu thời gian qua cho thấy, lượng phù sa trong đất lúa đã giảm nhiều, nền đất ngày càng cứng đi. Vì vậy, nếu muốn lúa có năng suất, người dân phải tăng thêm chi phí mua phân bón cho đất. Nếu trước đó, tính trung bình cả năm, người dân thu nhập khoảng 37 triệu đồng/ha (nếu làm 3 vụ); còn làm 2 vụ sẽ thu được từ 30-31 triệu đồng/ha thì tới đây con số thu nhập trên sẽ giảm xuống rất nhiều.

GS Võ Tòng Xuân nhận định: Vùng TGLX chú trọng phần lớn vào cây lúa thì không ổn. “Có thể nói đầu tư toàn bộ cho cây lúa là không thông minh bởi nếu làm vậy phải làm thủy lợi dẫn nước, làm đê bao tốn nhiều chi phí trong khi đó giá bán ra lại rất thấp” – GS Xuân phân tích.

Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin: Từ năm 2012 đến nay, tình hình xuất khẩu lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn, riêng trong 5 tháng đầu năm thị trường rất trầm lắng. Vì vậy, như khuyến cáo của các cơ quan chức năng và nhà khoa học, VFA khuyên vùng ĐBSCL nói chung và tiểu vùng TGLX giảm diện tích lúa, thay vào đó là tăng cường sản xuất lúa có chất lượng cao.

img

Cánh đồng lúa bạt ngàn ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang). Ảnh: Báo Vĩnh Long

Liên kết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Đại diện VFA cho rằng, theo xu hướng chung, tới đây, tiểu vùng nên mạnh dạn chuyển đổi cây lúa sang cây màu, cây ăn trái hoặc chăn nuôi mặc dù việc này không dễ làm. Trước khi thực hiện chuyển đổi, các địa phương phải tính đến việc quy hoạch vùng nuôi, thị trường tiêu thụ. Quá trình này nên thực hiện có lộ trình cụ thể, không thực hiện nhanh được.

Riêng về việc sản xuất lúa nên tập trung vào loại chất lượng cao, lúa đặc sản, một số vùng có lợi thế nuôi tôm thì nên tập trung phát triển, có thể kết hợp nuôi theo mô hình luân canh tôm - lúa. “Tiểu vùng TGLX nên tận dụng lợi thế vào nuôi tôm vì nơi đây có tổng diện tích nuôi tôm nhiều. Về cây ăn trái có thể trồng chuối, dừa ứng dụng công nghệ cao” – GS Xuân gợi ý.

Nhiều đại biểu cho rằng, tiểu vùng TGLX có lợi thế nhiều về sản xuất nuôi tôm; vậy nếu chuyển lúa sang tôm vấn đề đặt ra là các địa phương phải có sự liên kết trong quy hoạch vùng nuôi cụ thể và không chồng chéo về mặt chính sách với nhau. Bởi nuôi tôm và trồng lúa dễ mâu thuẫn trong sử dụng nguồn nước (lúa sử dụng nước ngọt, tôm cần nước mặn, lợ). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem