Tuân thủ quy trình sạch, rau Tượng Sơn "bay" đi châu Âu

Mạnh Hùng - Kim Thịnh Thứ năm, ngày 09/05/2019 19:15 PM (GMT+7)
Đầu năm 2019, Công ty CP Du lịch và Thực phẩm Sao Việt đã ký hợp đồng tiêu thụ rau, củ, quả cho HTX Hoàng Hà, xã Tượng Sơn (Hà Tĩnh) để phục vụ cho một số doanh nghiệp trên địa bàn và xuất khẩu đi thị trường châu Âu với sản lượng mỗi ngày 1,5 tấn rau, củ, quả và có thể sẽ tăng lên 8 - 15 tấn/ngày vào cuối năm.
Bình luận 0

Đây là tin vui đối với nông dân trồng rau ở xã Tượng Sơn, đồng thời mở ra cơ hội lớn để rau, củ, quả Hà Tĩnh vươn ra thị trường quốc tế.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng đồng chí Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm vườn mẫu của gia đình ông Dương Kim Hoàng ở thôn Hà Thanh. Ảnh: UBND xã Tượng Sơn cung cấp.

Sản phẩm kết tinh từ tâm và công nghệ

Theo chân anh Dương Kim Tuấn - cán bộ nông nghiệp xã Tượng Sơn, chúng tôi về với thôn Bắc Bình, nơi đây có vùng quy hoạch rau rộng 2,6ha và gần 2ha rau trồng trong vườn hộ.

Với khẩu hiệu “Sản phẩm kết tinh từ tâm và công nghệ”, đồng thời được hỗ trợ từ nhiều chính sách, sự quan tâm của các cấp chính quyền, từ năm 2011 đến nay, người dân xã Tượng Sơn đã không ngừng tiếp cận các công nghệ mới như giống mới, quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ, lắp đặt trạm báo thời tiết tự động, dán tem nhãn, đặc biệt là sử dụng công nghệ Internet để quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường.

img

Nhờ trồng rau sạch, mỗi ngày bà Nguyễn Thị Thanh có thể thu về từ 500.000 - 1 triệu đồng. Ảnh: P.V

Ông Dương Kim Huy - Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho hay, hiện xã có 2 nhà máy sơ chế rau củ tại thôn Thượng Phú và Bắc Bình (do dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7) đầu tư) để sơ chế nông sản trước khi xuất khẩu. Xã đã quy hoạch 8 vùng sản xuất với tổng quy mô khoảng 100ha. Theo năng suất hiện tại, sản lượng hàng ngày của xã đạt khoảng 4 - 5 tấn rau, củ, quả.

Thông qua hàng chục lớp đào tạo, tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng, lý thuyết kết hợp với thực tiễn đã xây dựng cho người dân Tượng Sơn một nền tảng kiến thức, kinh nghiệm thiết yếu trong sản xuất rau của mình.

Trò chuyện với chúng tôi trên cánh đồng dưa chuột, bà Nguyễn Thị Thanh (trú thôn Bắc Bình) chia sẻ: “Nhà tôi trồng hơn 2.000m2 rau. Chồng tôi làm Bí thư thôn nên đa phần thời gian là lo việc xóm làng, còn tôi cứ từ sáng đến tối bầu bạn với rau cũng mang lại nguồn thu nhập từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày”.

Để có những bó rau chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất ngoại, nông dân Tượng Sơn và các cơ quan quản lý nhà nước đã phải chuẩn bị trong thời gian dài. Trong đó, việc chuyển giao công nghệ sản xuất do Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh chịu trách nhiệm.

Giữ chất lượng bằng cách kiểm soát lẫn nhau

Chủ tịch Hội Nguyễn Xuân Tình cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, quy trình sản xuất, Hội chịu trách nhiệm giám sát và cung cấp tem, mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên từng bó rau. Người trồng rau ở Tượng Sơn cho biết, sản xuất rau hàng hóa khó ở chỗ mẫu mã đẹp, người mua nghĩ là bón phân, phun thuốc, khi rau cằn cỗi lại không có người mua. Vậy nên quy trình chăm bón phải rất tỉ mỉ và cẩn trọng từ khâu làm đất, chọn giống đến phòng trừ sâu bệnh.

img

Đại diện doanh nghiệp từ Liên Bang Nga (thứ hai, bên trái) kiểm tra để thương thảo hợp đồng liên kết sản xuất rau, củ, quả tại xã Tượng Sơn, tháng 02/2019. Ảnh: UBND xã Tượng Sơn cung cấp.  

Khi đến ngày thu hoạch, rau quả phải được hái khi chưa có ánh nắng mặt trời, thông thường từ khoảng 2 giờ sáng, người dân đã hái rau để tránh làm giảm chất lượng rau.

Ông Nguyễn Trọng Túc - Trưởng thôn Bắc Bình cho biết, thôn có khoảng 5ha trồng rau ở vùng tập trung và các vườn hộ với gần 100 hộ, cho thu nhập bình quân khoảng 10 - 25 triệu đồng/tháng/hộ. Các hộ đều tuân thủ quy trình VietGAP và hữu cơ, sản phẩm được kiểm định chất lượng mới được dán tem nhãn. Trong quá trình sản xuất, các hộ kiểm soát lẫn nhau. Rau sạch Tượng Sơn đã có thương hiệu và thị trường nên người dân an tâm sản xuất và cũng ổn định thu nhập.

Đối chiếu với nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp, toàn bộ sản phẩm làm ra sẽ được tiêu thụ hết. Đây là tín hiệu vui với người dân xã Tượng Sơn nói riêng và nông dân Hà Tĩnh nói chung, bởi vấn đề tiêu thụ nông sản coi như được giải quyết.

Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn Dương Kim Huy cho hay, hiện xã có 2 nhà máy sơ chế rau củ tại thôn Thượng Phú và Bắc Bình (do dự án WB7 đầu tư) để sơ chế nông sản trước khi xuất khẩu. Cũng để phục vụ xuất khẩu, ngoài đẩy mạnh phát triển sản xuất vườn hộ, xã đã quy hoạch 8 vùng sản xuất với quy mô 100 ha. Hiện, mỗi ngày người dân trong xã cung ứng ra thị trường khoảng 4 - 5 tấn rau, củ, quả.

Ngoài trồng rau, Đảng ủy xã cũng chỉ đạo chuyển đổi các vùng đất trũng và hỗ trợ người dân khai phá các vùng đầm lầy ven sông để nuôi trồng thủy sản, kết hợp chăn nuôi thủy cầm. Toàn xã hiện có 130 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản mặn lợ và nước ngọt, qua đó cung cấp được nguồn thực phẩm đa dạng, phong phú cho người tiêu dùng.

Hiện xã Tượng Sơn đã thành lập được 23 tổ hợp tác, 1 HTX Hoàng Hà chuyên trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Rau, củ, quả của Tượng Sơn đã được doanh nghiệp (Công ty Rau củ quả Nghệ An, Công ty Sao Việt, Tập đoàn đồ ăn nhanh của Nga - Thụy Sỹ) ký hợp đồng tiêu thụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem