Tỷ phú nhãn “2 giỏi”

Hải Đăng (Trang Trại Việt) Thứ bảy, ngày 21/05/2016 19:00 PM (GMT+7)
Ngoài việc là một tỷ phú ở “đất nhãn”, anh Nguyễn Văn Thế còn là một cán bộ Hội giỏi được bà con nông dân xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) rất tin yêu, quý mến.
Bình luận 0

Gian nan tìm hướng đi mới

Trò chuyện với chúng tôi, anh Thế bảo: “Tôi làm cán bộ Hội là do hội viên tin tưởng bầu lên, làm gì cũng phải cố gắng, nỗ lực hết sức, mình phải làm giỏi trước thì bà con mới nghe, làm theo”. Từng kinh qua nhiều vị trí, từ Chi Hội trưởng Hội nông dân, đến Trưởng thôn An Cảnh và giờ anh đang làm Chủ tịch Hội nông dân xã Hàm Tử được 5 năm. Ở vị trí nào anh Thế cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vừa làm công tác, anh vừa tham gia sản xuất...

img

Anh Nguyễn Văn Thế (thứ 3 từ trái qua) hướng dẫn hội viên nông dân thôn An Cảnh, xã Hàm Tử, Khoái Châu, Hưng Yên chăm sóc nhãn xuất khẩu. Ảnh: Hải Đăng

Bà con có nhu cầu mua giống hay tư vấn kỹ thuật về trồng nhãn Miền theo quy trình VietGAP liên hệ với anh Nguyễn Văn Thế, điện thoại: 0913199980.

Lập gia đình năm 1990, hai vợ chồng anh tiếp tục phát triển nghề trồng, kinh doanh cây giống của gia đình. Đến năm 1994, anh chuyển sang trồng hơn 5 sào nhãn. Nhận thấy, nhãn truyền thống có nhiều hạn chế, cho ít quả lại không ngon, anh đã cùng anh trai mình nghiên cứu, nhân tạo ra giống nhãn mới.

“Sau nhiều năm tìm hiểu, năm 1998, tôi và anh trai đã ghép thành công giống nhãn mới có nhiều ưu điểm vượt trội hơn rất nhiều so với giống nhãn cũ. Để bà con tin tưởng, gia đình tôi đã trồng thử và thu được năng suất và chất lượng rất cao, sau đó mới phổ biến cho bà con cùng trồng để làm giàu”- anh Thế nhớ lại.

Niềm vui đến với gia đình anh, sau 1 năm trồng thử nghiệm thành công, năm 1999, giống nhãn mới đã được nhà nước công nhận và bổ sung vào giống quốc gia lấy tên anh trai anh là nhãn Miền.

Sau khi đã được công nhận, anh Thế đến từng hộ dân trong xã để tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trồng. “Thời gian đầu, nhiều người còn e ngại, sợ thất bại không dám trồng, nhưng sau khi vận động, cho đi xem thực tế tại gia đình, bà con mới tự tin đưa vào trồng” – anh Thế kể.

Gương mẫu đi đầu

img

Anh Nguyễn Văn Thế bên vườn nhãn của gia đình ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Ảnh: Hải Đăng

Anh Thế nhớ lại ngày bắt đầu nhận trọng trách lãnh đạo Hội ND Hàm Tử, “Thấy phong trao Hội đi xuống, mình cũng đã trăn trở, tìm mọi cách để thu hút hội viên và nâng cao các phong trào sản xuất, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo”. Qua hơn 5 năm vận động, đến giờ số hội viên đã tăng lên 650 người (tăng 350 hội viên so với năm 2010. “Quan điểm của tôi là không trọng nhiều mà trọng chất lượng, hội viên ít nhưng chất lượng phải thực sự, bà con tích cực tham gia các phòng trào hội, vừa giúp nhau làm kinh tế” – anh Thế vui vẻ cho hay.

Nhiều nông dân xã kể, anh Thế khi nhận công tác Hội ngày nào cũng đến tận nhà các hội viên để vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô, khoai kém hiệu quả sang trồng nhãn Miền. Và thành quả đến giờ là toàn xã đã có gần 100% số hộ dân (khoảng 1.700 hộ) đã đưa giống nhãn mới này vào trồng, với diện tích khoảng 400ha và đã có thu nhập cao, có nhiều hộ thu nhập tiền tỷ. Còn những hộ thu nhập vài trăm triệu thì rất nhiều. Ví như hộ ông Đinh Văn Mau ở thôn An Cảnh, hộ Nguyễn Văn Hà…

“Niềm vui nhân đôi với bà con Hàm Tử, cuối năm 2015 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công nhận và cho sản phẩm nhãn của xã được vào thị trường nước này, dù số lượng xuất khẩu thử nghiệm mới hơn 700kg, và năm 2016 này chúng tôi dự đoán số lượng sẽ tăng hơn nhiều” – anh Thế chia sẻ.

Việc xây dựng vùng nhãn đạt chuẩn xuất khẩu, có đóng góp công rất lớn của anh Thế. Bởi trước đây vùng nhãn của xã còn hoang sơ, bà con quen với cách sản xuất truyền thống, đến mùa thu hoạch, nông dân hay phải phải đối mặt với vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá”. “Từ đầu năm 2015 triển khai xây dựng vùng nhãn xuất khẩu theo quy trình VietGAP, không đêm nào tôi ngủ ngon giấc, lúc nào cũng nghĩ cách để thuyết phục người dân, làm sao để bà con tiếp cận với quy trình sản xuất mới? Giờ đã đạt kết quả, thấy mọi người thành công, tôi mới đỡ lo, yên tâm hơn” – anh Thế tâm sự.

Anh Thế cho biết thêm, sau hơn 1 năm sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, nhờ được cán bộ địa phương sâu sát hướng dẫn nên giờ thực hiện được khá thành thạo, thấy ruộng vườn sạch, thoáng hơn, mà đặc biệt là sức khỏe cũng được đảm bảo lại không lo đầu ra nên bà con rất yên tâm làm.

Về thăm anh Thế và bà con Hàm Tử vào thời gian này, gặp ai chúng tôi cũng thấy rất phấn khởi. Nhiều người bảo: “Vụ 2016 này, thời tiết thuận lợi nên nhãn ra hoa đều, đậu nhiều quả nên bà con vui mừng lắm, dự tính sản lượng năm nay toàn xã sẽ đạt cao nhất trong các năm vào khoảng trên 3.000 tấn”.

Riêng cá nhân gia đình anh Thế trồng khoảng 3ha nhãn Miền theo quy trình VietGAP từ khi trồng đến khi thu hoạch đều khép kín. Theo ước tính của anh Thế, vụ năm nay gia đình sẽ thu trên dưới 50 tấn. “Chất lượng nhãn năm nay sẽ vượt trội hơn các năm trước nên giá cả sẽ nhỉnh hơn và khoảng từ 25.000 đến trên 30.000 đồng/kg, tính ra tôi cũng có nguồn thu tiền tỷ đấy” – anh Thế chia sẻ.

Ngoài ra, gia đình anh Thế mới đưa vào trồng thử nghiệm 1 mẫu Ba Kích, hiện cây trồng đặc biệt này đang phát triển rất tốt và bắt đầu leo giàn, hứa hẹn cuối năm nay anh sẽ có thêm nguồn thu nhập khá từ loài cây mới này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem