Ứng dụng công nghệ sấy mới: Chè đen tăng giá trị và tính cạnh tranh

Vinh Hải Thứ sáu, ngày 13/05/2016 07:07 AM (GMT+7)
Quy trình bảo quản chè đen CTC (loại chè đen sản xuất theo phương pháp cắt – nghiền – cắt) được các nhà khoa học của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch nghiên cứu đã góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu cho sản phẩm này.
Bình luận 0

Không để chè đen bị ép giá

Chè đen chiếm đến 80% sản lượng chè xuất khẩu  của Việt Nam. Tuy nhiên, chè đen rất mẫn cảm với nhiệt độ, độ ẩm không khí ở môi trường xung quanh. Do đó, để tích trữ một lượng đủ lớn và đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp phải sấy lại, bảo quản kín, định lượng và phối trộn theo một tỷ lệ nhất định.

Việc bảo quản chè từ cuối vụ sang đầu vụ sau thường được thực hiện bằng phương pháp thủ công, do đó chất lượng chè không đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây được coi là lý do chính làm sản phẩm chè đen của Việt Nam có tính cạnh tranh thấp hơn trên thị trường thế giới.

img

Hệ thống thiết bị bảo quản chè đen CTC bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt được áp dụng giúp nâng cao chất lượng chè đen, giảm chi phí bảo quản. Ảnh: V.H

Tại Công ty TNHH MTV Chè Á Châu Phú Thọ (huyện Yên Lập, Phú Thọ), trước đây việc bảo quản chè đen được thực hiện theo phương pháp truyền thống. Nghĩa là sau khi có thành phẩm, công nhân sẽ đóng gói chè đen vào các bao khác nhau. Nếu thời gian lưu trữ chè khoảng từ 4 – 6 tháng, nguy cơ ẩm mốc, bụi là không khó tránh khỏi. Mỗi lần muốn sấy lại, công nhân lại phải đổ chè ra xử lý.

"Công nghệ kể trên không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm chè đen mà còn giúp tăng được giá nguyên liệu đầu vào. Đây là điều kiện để tăng thu nhập cho người nông dân ở các vùng nguyên liệu chè”. 

TS Nguyễn Năng Nhượng 

Cách thức bảo quản chè của doanh nghiệp này đã thay đổi sau khi áp dụng công nghệ và hệ thống thiết bị do các nhà khoa học Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch nghiên cứu. TS Nguyễn Năng Nhượng – Phó Viện trưởng, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện đề tài nghiên cứu nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao, ổn định chất lượng sản phẩm chè đen xuất khẩu. Nhất là các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm và tính đồng đều về chủng loại chè đen, để không bị phía nước ngoài ép giá”.

Tiết kiệm chi phí sản xuất

Các nhà khoa học của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã xây dựng công nghệ và chế tạo hệ thống thiết bị bảo quản chè đen CTC bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt để giải quyết những vấn đề đặt ra ở trên.

Công nghệ và tổ hợp trên giúp xây dựng quy trình sấy lại, bảo quản, định lượng và phối trộn phù hợp với sản phẩm chè đen CTC. Công nghệ sấy bơm nhiệt trong hệ thống giúp ổn định được chất lượng chè trong quá trình bảo quản. Hệ thống có thể tiếp nhận bảo quản 64 tấn chè thành phẩm.

TS Nguyễn Năng Nhượng cho biết: “Trong hệ thống kể trên, chè đen CTC từ nguyên liệu có độ ẩm không đồng đều từ 5,5% – 7% được giảm xuống mức còn 3,5% - 4,5% và duy trì suốt trong quá trình bảo quản”.

Không những vậy, công nghệ và hệ thống kể trên còn giúp doanh nghiệp định lượng khi phối trộn thành phẩm chè giao cho khách hàng. Cụ thể, thay vì đổ chè ra bao cân thủ công thì chỉ cần một người ngồi trước hệ thống máy tính điều khiển, sẽ ra được sản phẩm chè được phối trộn theo yêu cầu khách hàng.

Theo đánh giá của đề tài nghiên cứu, chi phí bảo quản chè đen CTC theo phương pháp kể trên là 77,8 nghìn đồng/tấn. Trong khi chi phí tương tự theo phương pháp thủ công kết hợp với bán cơ khí là 970 nghìn đồng/tấn. Nghĩa là chi phí thường xuyên cho bảo quản chè đen chỉ bằng 8% so với khi thực hiện bằng phương pháp thủ công.

Công nghệ đã được ứng dụng tại Công ty TNHH MTV Chè Á Châu Phú Thọ và được doanh nghiệp đánh giá cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem