Vào tổ hội nghề nghiệp,  giúp nhau thành tỷ phú

Thu Hà Thứ ba, ngày 29/01/2019 15:07 PM (GMT+7)
Những năm qua, số lượng hội viên nông dân (ND) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng tăng, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Từ năm 2016, các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình đã triển khai các chi, tổ hội nghề nghiệp ND - hình thức sinh hoạt mới tại cơ sở.
Bình luận 0

Tự tin liên kết sản xuất theo chuỗi

Tháng 4.2017, Tổ hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, được thành lập với 30 thành viên cùng sản xuất, kinh doanh chế tác đá mỹ nghệ tại làng nghề. Bà Lương Thị Thịnh – Tổ trưởng Tổ hội chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân cho biết: “Tham gia tổ hội nghề nghiệp, các thành viên đã tăng cường trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về lao động, vốn và liên kết chặt chẽ trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, nhờ đó hiệu quả sản xuất, kinh doanh tăng lên rõ rệt.

Đặc biệt, được Hội ND giải ngân cho vay 1 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), các hộ trong tổ đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc, mở rộng nhà xưởng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng. Hiện nay, số thành viên của tổ hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ đã tăng lên 35”.

img

Nông dân thu hoạch cá nuôi ở xã Gia Hòa (Gia Viễn). Ảnh: Đức Lam

Tổ hội nghề nghiệp nuôi con đặc sản tại thôn 12, xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp, được Hội ND thành lập với 17 hội viên tham gia ban đầu. Đến nay sau gần 3 năm, tổ hội đã phát triển lên 38 hội viên. Điều đáng nói, từ chi hội chỉ có một nghề là nuôi các con đặc sản, đến nay chi hội đã mở rộng sang các lĩnh vực nhà hàng, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn.

Bà Tạ Thị Thế - Chủ tịch Hội ND TP.Tam Điệp phấn khởi cho hay: Từ thành công ban đầu, các thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp đã tự tin phát triển thành Tổ hợp tác, sau đó thành lập HTX tiêu thụ nông sản an toàn. Cuối năm 2017, Tổ hội đã khai trương và duy trì có hiệu quả cửa hàng nông sản an toàn Tam Điệp kết nối với gần 60 doanh nghiệp, HTX của 27 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đề nghị Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, nhất là tăng nguồn các nguồn vốn ưu đãi để phát triển nhanh, hiệu quả và vững chắc kinh tế hợp tác, hợp tác xã; đẩy mạnh kết nối cung - cầu để tìm đầu ra ổn định cho nông sản”.

Ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình 

Được biết, hiện HTX tiêu thụ nông sản an toàn xã Đông Sơn duy trì nuôi trên 3.000 con đặc sản, trong đó tập trung vào các con có giá trị kinh tế cao như hươu, nai, dê, lợn rừng, lợn cắp nách, ngựa, nhím… Năm 2018, HTX xuất bán gần 40 tấn sản phẩm vật nuôi thương phẩm, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Tăng nguồn vốn hỗ trợ

Ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho biết: ND chiếm 75% dân số của tỉnh, hội viên ND bằng 88% số hộ nông dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 Hội ND cấp huyện, 143 cơ sở Hội, 1.612 chi Hội. Công tác xây dựng tổ chức luôn được các cấp Hội chú trọng, trọng tâm là  xây dựng chi Hội, cơ sở Hội vững mạnh.

Theo đó, để việc xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ Hội  ND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng tiêu chí “5 cùng”. Đó là cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Trên cơ sở tiêu chí “5 cùng”, từ năm 2016 đến nay, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã vận động thành lập và duy trì hoạt động 16 tổ hội nghề nghiệp.

Theo ông Thái, để chi, tổ hội hoạt động có hiệu quả, cùng với chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các tổ hội nghề nghiệp, các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình còn tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên hỗ trợ tổ hội nghề nghiệp.

Cụ thể: Trong 3 năm (2016 – 2018), Hội ND tỉnh Ninh Bình đã giải ngân 12 dự án từ Quỹ HTND cho 12 tổ hội nghề nghiệp với tổng số 6,2 tỷ đồng. Một số tổ hội nghề nghiệp được Hội ND cho vay Quỹ HTND với số vốn khá cao như: Tổ hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư) 1 tỷ đồng; Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản xã Gia Minh (Gia Viễn) 1 tỷ đồng; Tổ hội nghề nghiệp sản xuất đồ mộc xã Yên Mỹ (Yên Mô) với  500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các thành viên tham gia tổ hội nghề nghiệp. Đồng thời, Ban Thường vụ Hội ND các cấp tỉnh Ninh Bình thường xuyên sâu sát cơ sở, chỉ đạo về mặt chuyên môn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ hội hoạt động.

Ông Đinh Hồng Thái bày tỏ: So với sinh hoạt chi hội thì tổ hội nghề nghiệp sinh hoạt sôi nổi, hào hứng hơn khi một vấn đề được bàn luận sâu. Các hộ nông dân cũng tích cực, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng mô hình tổ hội nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nguồn vốn cho các mô hình tổ hội nghề nghiệp vay để đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất còn hạn chế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem