Vinh danh quế Tây Trà, Trà Bồng

Thứ sáu, ngày 24/01/2014 15:01 PM (GMT+7)
Mới đây sản phẩm từ cây quế của 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi) đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á vinh danh là Kỷ lục châu Á mới.
Bình luận 0
Vững vàng trước “bão”

Từ bao đời nay, với đồng bào thiểu số người Kor ở miền núi phía tây bắc Quảng Ngãi, thuộc 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà, thì quế vẫn là loại cây trồng chính và là một trong những nguồn thu nhập chủ yếu của người dân nơi đây. Thập kỷ 80-90 được xem là thời “hoàng kim” của cây quế. Già Hồ Văn Sin (64 tuổi, xã Trà Thủy) nhớ lại: Gần như gia đình người Kor nào cũng trồng quế. Ít thì vài trăm, còn nhiều lên đến hàng trăm ngàn cây.

Chế tác các sản phẩm từ cây quế.
Chế tác các sản phẩm từ cây quế.

Quế được trồng trong vườn nhà, trên nương cao, dọc theo các triền núi, sông suối. Gần như nhìn đâu cũng thấy quế. Vào mùa thu hoạch, hương quế ngào ngạt, thơm lừng theo gió bay đi cách xa hàng chục km. Không chỉ có vậy mà cùng với chiêng, ché, nồi đồng, quế còn được xem là tiêu chuẩn để đánh giá sự giàu nghèo của các gia đình trong bản làng. Và khi dựng vợ, gả chồng, thì quế sẽ là một trong những phần của hồi môn không thể thiếu của các bậc cha, mẹ dành cho con để làm vốn, kế sinh nhai.

Đến những năm 2000, do một số nguyên nhân, diện tích quế bị thu hẹp đáng kể, chỉ còn 500-700ha, giảm gấp 2-4 lần so với trước đó. Giá quế vỏ rớt còn từ 20.000-26.000 đồng/kg khô, bằng khoảng 1/3 so với trước. Thế nhưng theo người dân cho biết: Không có gia đình nào xóa bỏ hoàn toàn loại cây này. Bởi lẽ họ tin rằng sẽ có một ngày nào đó quế sẽ được hồi sinh trở lại.

Quế được vinh danh

Và niềm tin của những người trồng quế đã trở thành hiện thực. Sau một thời gian dài “lận đận”, từ sự trợ giúp của các cấp ngành Quảng Ngãi, ngày 31.8.2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã chính thức công bố công nhận “Nhãn hiệu tập thể quế Trà Bồng – Tây Trà” cho 196 thành viên, gồm: 115 thành viên ở huyện Tây Trà và 81 thành viên ở huyện Trà Bồng. Đây là những hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng quế, được bảo hộ tổng thể, gồm: Quế và quế sơ chế dùng để làm đồ gia vị; mua bán quế và sơ chế quế, trồng quế...

Nhờ vậy mà diện tích quế đã không ngừng tăng lên. Đến nay, theo thống kê ở huyện miền núi Trà Bồng, diện tích quế đã gần 2.000ha quế và Tây Trà hơn 1.000ha. Việc mua bán từ chỗ duy nhất chỉ là mặt hàng vỏ thô, các sản phẩm từ quế đã được chế tác đa dạng và phong phú hơn: Bình ly uống nước, hộp đựng tăm…Thị trường tiêu thụ cũng không còn giới hạn ở tỉnh, trong nước mà nay các sản phẩm của cây quế đã vươn ra các châu lục Á, Âu…

Vị thế của cây quế một lần nữa được khẳng định khi vào tháng 11.2013, sản phẩm từ cây quế đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á vinh danh là Kỷ lục châu Á mới.

Ông Nguyễn Xuân Bắc- Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tâm sự: Đây là một điều kiện vô cùng thuận lợi để khôi phục, phát triển và mở rộng đối với quế - vốn được xem là một biểu tượng của đất và người nơi đây; góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ trồng quế ở địa phương.
Công Xuân (Công Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem