Vơi nỗi lo lệ thuộc ngao giống Trung Quốc

Huỳnh Giang Thứ năm, ngày 24/12/2015 07:30 AM (GMT+7)
Tại Bến Tre, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Bến Tre vừa tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả và khả năng nhân rộng của hai Dự án “Phát triển mô hình sản xuất ngao giống”.
Bình luận 0

Nhu cầu về ngao giống còn rất lớn

Thạc sĩ Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, nghề nuôi ngao những năm trước đây nguồn con giống hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên. Chi phí ngao giống luôn chiếm hơn 50% giá thành ngao thương phẩm.

Do đó để giảm giá thành sản xuất phải tập trung tính đến giảm chi phí khâu con giống. Đồng thời, ông Tiêu cũng nhận định rằng việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống ngao là yếu tố then chốt để thúc đẩy nghề nuôi ngao phát triển ổn định và bền vững.

img

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất ngao giống ở Bến Tre. Ảnh:  TTKNQG

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng ngao giống hiện tại trên cả nước có nguồn gốc từ sinh sản nhân tạo ước đạt 15-20 tỷ con/năm, tập trung tại các cơ sở sản xuất ở Nam Định, Tiền Giang, Bến Tre…

Trong khi đó, hàng năm nhu cầu ngao giống cả nước thống kê ước 70 tỷ con. Một lượng lớn giống ngao được khai thác tự nhiên và nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc nhưng vẫn chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu con giống.

Thiếu ngao giống trầm trọng là vậy, nhưng trên thực tế số lượng cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể lại giảm 228 cơ sở so với năm 2013, hiện nay chỉ còn khoảng 300 cơ sở. Nhiều trại giống đã chuyển sang sản xuất giống cá biển do gặp nhiều khó khăn như môi trường ô nhiễm, thị trường thiếu ổn định, giá bán bấp bênh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường. Có thời điểm, nhiều người nuôi ngao phải vào tận miền Nam mua giống chuyển về, dẫn đến giá thành sản xuất cao, chưa nói đến lúc giá ngao thương phẩm của thị trường xuất khẩu giảm thì người nuôi bị lỗ nặng.

Với mong muốn giúp người nuôi ngao chủ động được nguồn giống, từ năm 2014, Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai Dự án “Phát triển mô hình sản xuất ngao giống” sau khi đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất giống ngao Bến Tre (Meretrix lyrata).

Giúp người nuôi chủ động nguồn giống

  Dự án góp phần đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ cho người nuôi, không phải nhập giống từ miền Nam để giảm thiểu chi phí, và đặc biệt là hạn chế hình thức khai thác thủy sản mang tính hủy diệt thiên nhiên. 

Trong năm 2015, Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện xây dựng 3 mô hình ương trực tiếp từ ngao giống cấp I lên cấp II tại các tỉnh Nam Định, Nghệ An và Bến Tre; 2 mô hình từ sinh sản nhân tạo đến ương lên ngao giống cấp II được triển khai tại Thái Bình, Thanh Hóa.

Trong quá trình thực hiện dự án, các hộ nuôi được tham gia tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật, ứng dụng vào thực tế sản xuất ngao giống. Kết quả bước đầu rất khả quan, tỷ lệ sống của con ngao giống cấp II lớn hơn 50%, thậm chí ở Bến Tre đạt 60% (trong khi các hộ nuôi ngoài mô hình chỉ đạt tối đa 30%). Tổng lượng con giống của 5 mô hình đạt 701,3 triệu con ngao giống cấp II, vượt chỉ tiêu 500 triệu con mà dự án yêu cầu.

Từ hiệu quả trên, dự án tiếp tục triển khai từ năm 2014 tại Hải Phòng và Thái Bình đã nhân rộng được 5 hộ ngoài dự án với diện tích tổng cộng 20ha. Dự án cũng góp phần đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ cho người nuôi, không phải nhập giống từ miền Nam để giảm thiểu chi phí, và đặc biệt là hạn chế hình thức khai thác thủy sản mang tính hủy diệt thiên nhiên.

Ông Nguyễn Văn Buội – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bến Tre cho biết, dự kiến trong 5 năm tới, ngành ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản tập trung, phát triển giống thủy sản, hệ thống cảnh báo và giám sát môi trường, hệ thống quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản. Áp dụng công nghệ và quy trình nuôi VietGAP, giữ vững, củng cố chứng nhận MSC con ngao Bến Tre. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem