Vốn đang là "cái vòng luẩn quẩn" với nông dân

Mai Hương (thực hiện) Thứ hai, ngày 21/12/2015 13:30 PM (GMT+7)
“Nhiều nông dân xuất sắc, nhiều trang trại có quy mô hàng chục tỷ đồng song vẫn không thể vươn lên làm ăn lớn được là do vướng vào vòng luẩn quẩn về vốn, mà tháo gỡ nó không chỉ một mình ngành ngân hàng có thể giải quyết nổi” - ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhận định như vậy.
Bình luận 0

Trường hợp không vay nổi vốn sản xuất như chủ trang trại Đinh Văn Thiểm ở Nghĩa Hưng, Nam Định, có thể nói đang khá phổ biến ở nông thôn hiện nay, ông nghĩ sao về thực tế này?

img

Anh Nguyễn Đăng Cường - chủ trang trại lớn ở xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành, Bắc Ninh), đang gặp khó khăn về vay vốn ngân hàng.  Ảnh:  Đ.D

- Vốn thực sự đang là “cái vòng luẩn quẩn” với nông dân nói chung và những người như ông Thiểm nói riêng. ND không có tiền phải đi vay để sản xuất, nhưng tài sản thế chấp không có hoặc vướng về tài sản bảo đảm nên không vay được hoặc rất khó vay vốn, không có vốn thì lại không thể sản xuất…

Về tổng thể, tín dụng cho nông nghiệp vẫn đối diện những khó khăn, như lãi vay còn cao, điều kiện tiếp cận khoản vay ngặt nghèo. Thực tế cho thấy, các tổ chức tín dụng huy động vốn tại địa bàn nông thôn chỉ đạt 60-70% nhu cầu nguồn lực dành cho nông nghiệp, nông thôn; còn muốn cho vay thêm phải sử dụng nguồn lực khác. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt để dành nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Các ngân hàng thì thanh khoản khá dồi dào, nhưng khó cho vay vì mắc cơ chế, doanh nghiệp và hộ vay bị kẹt tài sản bảo đảm ở ngân hàng do chưa tất toán nợ...

Sản xuất nông nghiệp là một ngành mang tính chất đặc thù mùa vụ từ sản xuất đến tiêu thụ, rủi ro lại lớn. Tại sao các ngân hàng không tính đến các điều kiện này để tạo điều kiện cho ND vay vốn mà chỉ nhìn vào những “cái vường” để từ chối cho vay?

- Chúng ta không thể đòi hỏi một mình ngân hàng đứng ra gánh vác hết các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Ở đây, các cơ quan chức năng quản lý đất đai, tư pháp, chính quyền địa phương… phải tạo điều kiện, môi trường pháp lý đầy đủ với ND để ngân hàng có thể căn cứ vào đó mới dám cho ND vay vốn.

Trường hợp ông Thiểm thuê đất của xã có 5 năm để làm trang trại thì chưa đủ căn cứ để ngân hàng dám cho vay đến 2-3 tỷ đồng, bởi anh làm ăn gì trong một thời gian ngắn như thế có thể trả nợ được ngân hàng cả gốc và lãi?

Ngân hàng hiện nay cũng như một đơn vị độc lập, họ phải tính khi đầu tư, nếu cho vay mà không thu hồi được vốn thì rất nguy hiểm, hình thức xử lý giờ không chỉ là dân sự mà có thể cả hình sự. Thế nên tôi mới nói, tháo gỡ khó khăn trong vay vốn của ND không chỉ một mình ngân hàng có thể gánh vác nổi.

Chính phủ đã có nhiều quy định về hỗ trợ cho ND vay vốn, như Nghị định 55/2015 quy định ND có thể vay vốn lên tới 10 tỷ đồng mà không cần thế chấp. Vậy một trang trại lớn (ước tính 18 tỷ đồng) và một ND xuất sắc như ông Thiểm tại sao vẫn chưa đủ điều kiện để vay?

-Tôi khẳng định, các ngân hàng hiện nay cũng đang hướng mạnh cho vay vốn về nông thôn. Song việc cho vay phụ thuộc vào ND làm ăn như thế nào. Với những trang trại mà đất đai hay tài sản không đủ các yếu tố pháp lý rõ ràng, nợ xấu… thì ngân hàng sẽ phải thận trọng.

Còn lại những trang trại, ND làm ăn hiệu quả, có sổ đỏ tín chấp tại ngân hàng thì có thể tiếp cận vốn vay dễ dàng. Các điều kiện vay vốn hiện nay cũng đã được “linh động” hơn rất nhiều. Tôi nghĩ về chính sách thì không có gì khó khăn, lỗi là ở điều hành phía dưới và thực thi của pháp luật.

Vậy theo ông, “điều hành ở phía dưới và thực thi của pháp luật” sẽ phải thay đổi ra sao mới hạn chế được những khó khăn về vay vốn với ND?

- Thay đổi tức là tín dụng vay vốn phải bám sát với tổ chức sản xuất của ND thì mới hiệu quả. Trong chính sách tín dụng, ngoài chính sách chung thì phải có những chương trình tín dụng riêng, phù hợp với đặc thù sản xuất - thị trường của ND, ví dụ như anh sản xuất trang trại, tiêu thụ sản phẩm tốt vì phải có những ưu tiên, ưu đãi đặc thù nào… Hay các trường hợp chủ trang trại đang tranh chấp tài sản, pháp lý (như trường hợp trang trại ông Thiểm còn nợ tiền cám…) chưa được công nhận thì cũng nên có các quy định rõ để “khoanh vùng” các tranh chấp thì ngân hàng mới dám cho vay.

Ông có cho rằng, một mình ND với ngân hàng thì không thể tháo gỡ được những khó khăn?

 "Chúng ta đã đã xây dựng Đề án 80 về liên kết 4 nhà thì cần có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể để phát triển sự liên kết tạo cơ sở cho hoạt động tín dụng bền vững, thậm chí ND không cần thế chấp gì vẫn được vay”.
Ông Cao Sĩ Kiêm

-Đúng như vậy. Nhà nước cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và xây dựng, quản lý ổn định các quy hoạch kinh doanh vùng nông nghiệp. Đây là điều kiện hàng đầu để mở rộng đối tượng cho vay không chỉ sản xuất, mà còn cả đối tượng chế biến, tiêu thụ; phát triển cho vay theo các chuỗi cung ứng và liên kết sản xuất-tiêu thụ trọn gói; đồng thời, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế bảo lãnh tín dụng cho ND, thông qua xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng, thay vì phải cầm cố tài sản hay giao nộp sổ đỏ… Có như thế, rủi ro trong hoạt động đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng mới giảm, đồng thời thúc đẩy các tổ chức này mạnh dạn hơn trong việc cho vay vốn vào nông nghiệp, nông thôn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem