Vốn về “đánh thức” đồi rừng

Việt Phương Thứ tư, ngày 14/09/2016 06:45 AM (GMT+7)
Nhờ được vay vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ dân ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, Yên Bái có điều kiện đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Bình luận 0

Chưa đầy 2 năm đã thoát nghèo

Dù có 1 xưởng bóc tách ván gỗ nhỏ, nhưng cuộc sống của vợ chồng anh Phạm Văn Đức, thôn 4, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) vẫn chật vật. “Bóc ván gỗ cần sự chính xác trong khâu ra thành phẩm, nhưng do thiếu vốn đầu tư mua sắm máy móc, nên xưởng nhà tôi ít đơn hàng, ít việc. Muốn vay vốn ngân hàng thương mại nhưng lại sợ lãi suất cao…” - anh Đức thổ lộ. Thông qua Hội ND xã, giữa năm 2015, vợ chồng anh Đức được vay 50 triệu đồng tín dụng chính sách cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Anh đầu tư mua máy móc, từ đó công việc bớt vất vả, chất lượng và sản lượng sản phẩm tăng lên trông thấy, có thêm nhiều đơn hàng.

img

Nhờ được vay vốn ưu đãi, anh Phạm Văn Đức (trái) đầu tư mở rộng xưởng bóc ván gỗ. T.V.P

Giải quyết được khó khăn, nhất là về vốn đầu tư, xưởng bóc ván gỗ của anh Đức đã thu hút tới 7 lao động, thời điểm đơn hàng nhiều lên tới hơn 10 lao động. “Từ khi được vay vốn, không chỉ tạo thêm được nhiều việc làm cho bà con mà doanh thu của xưởng cũng tăng cao, đạt tới 3 tỷ đồng/năm, lãi ròng gần 500 triệu đồng/năm. Có đồng vốn, tôi trồng thêm rừng nguyên liệu gỗ, trồng quế, đứng ra thu mua gỗ nguyên liệu”-anh Đức cho hay.

Cũng là đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, nhưng gia đình anh Nguyễn Đức Hội (thôn 3, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên) lại được vay chương trình hộ nghèo. Gia đình thuần nông quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời những cuộc sống vẫn không khá lên được. “Khi được vay vốn, qua tham khảo sự tư vấn của Hội ND xã, cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, tôi quyết định chăn nuôi gà thịt. Đầu năm 2015, được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng, tôi xây dựng 300m2 chuồng trại để nuôi gà thịt. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi gần 3.000 con gà thịt. Bình quân mỗi năm xuất chuồng 3 lứa. Năm ngoái, bán 2 lứa gà thịt với số lượng vài ngàn con, gia đình tôi có lãi gần 200 triệu đồng. Sau khi được vay vốn, chưa đầy 2 năm sau tôi đã thoát nghèo”-anh Hội cho hay.

Khai thác hiệu quả thế mạnh đồi rừng

Hòa Cuông là 1 trong những xã có tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện Trấn Yên. Hiện dư nợ tín dụng chính sách qua ủy thác tại xã Hòa Cuông là hơn 7,5 tỷ đồng với tổng số 750 hộ đang được vay, trong đó chủ yếu tập trung ở 2 chương trình tín dụng lớn là cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Ông Đỗ Viết Bảo-Chủ tịch Hội ND xã Hòa Cuông chia sẻ: “Tiềm năng, thế mạnh mà không có vốn đầu tư thì “nó” vẫn cứ ngủ yên trong đất đai, nguồn lao động thôi. Nếu không có vốn của các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH, bà con không biết xoay xở vay vốn ở đâu. Nhiều hộ từ nghèo, cận nghèo vươn lên khá, giàu ở Hòa Cuông cũng nhờ tác động của các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH…”.

Theo lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trấn Yên, đơn vị này đang triển khai 11 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Một số chương trình tín dụng ưu đãi đã tỏ rõ vai trò giảm nghèo bền vững ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất-kinh doanh vùng khó khăn…Tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách qua ủy thác đến hết 8.2016 trên địa bàn huyện Trấn Yên đạt hơn 291,1 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ có 238 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,08% trên tổng dư nợ ủy thác.

Ông Trương Viết Tân - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trấn Yên lý giải: “Một trong những yếu tố đảm bảo sự tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng là sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem