Vụ lúa thu đông tại ĐBSCL: Không lo khâu tiêu thụ

Thứ hai, ngày 17/09/2012 12:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Tùng - Phó Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khi trao đổi với NTNN.
Bình luận 0

Ông Tùng cho biết, theo số liệu của các địa phương, diện tích lúa thu đông tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay có khả năng vượt 700.000ha.

Thưa ông, tình hình xuống giống vụ thu đông 2012 đến nay diễn biến thế nào?

- So với năm 2011, việc xuống giống vụ thu đông năm nay tại các tỉnh ĐBSCL tập trung nhanh chóng hơn. Tới thời điểm này, bà con nông dân đã gieo sạ được hơn 450.000ha, tăng gần 100.000ha so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, tổng diện tích thu đông năm nay có thể vượt mức 700.000ha, tăng nhẹ tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ… và các tỉnh vùng phù sa ngọt cặp sông Tiền, sông Hậu.

img
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)

So với vụ thu đông năm ngoái, vụ thu đông năm nay có thuận lợi hơn không, thưa ông?

-Vụ thu đông năm nay sẽ thuận lợi hơn ở khâu tiêu thụ. Đây là kết quả của sự tác động bởi điều kiện tự nhiên và tình hình tiêu thụ lúa gạo trên thị trường đến sản xuất lúa. Cụ thể, thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thời gian gần đây hoạt động xuất khẩu gạo có nhiều chuyển biến tích cực, cùng với việc Chính phủ thu mua tạm trữ lúa thời gian qua đã đẩy giá lúa, gạo nhích lên.

Theo ông Lê Thanh Tùng, ở ĐBSCL, chất lượng gạo vụ thu đông cao hơn vụ hè thu, việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn. Trong khi đó, năng suất thu đông tương đương hè thu nên có thể cân nhắc giảm diện tích hè thu để chuyển sang làm thu đông ở một số vùng đáp ứng các yêu cầu ứng phó bão lũ.

Diện tích lúa thu đông trên thực tế đang cao hơn khuyến cáo. Liệu có đảm bảo an toàn cho sản xuất?

- ĐBSCL có đến 1,8 triệu ha đất lúa và có khoảng 500.000/700.000ha lúa thu đông nằm trong cơ cấu 3 vụ, còn lại là lúa thu đông trong cơ cấu 2 vụ và 1 vụ. Nhiều nhà khoa học lo ngại rằng, nếu hệ số vòng quay của đất từ 2,3 – 2,5 vụ/năm, sẽ khiến đất bị bạc màu, hoang hóa.

Tuy nhiên, theo tôi, hệ số vòng quay ở những vùng trồng lúa 3 vụ tại ĐBSCL vẫn chưa tới mức đáng lo ngại. Khả năng làm lúa thu đông ở ĐBSCL có thể lên đến 1 triệu ha. Nhưng sản xuất ra có tiêu thụ được hay không và điều kiện cơ sở vật chất có phục vụ tốt công tác sản xuất chưa mới là vấn đề.

Theo ông, chúng ta cần phân bổ diện tích lúa thu đông tại các địa phương như thế nào để đảm bảo hiệu quả?

- Diện tích thu đông ở ĐBSCL được chia làm 3 vùng. Thứ nhất là vùng ngập sâu, thuộc khu Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, gồm các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và một phần của tỉnh Kiên Giang. Đây là khu vực thượng nguồn sông Mê Kông, hằng năm lũ về sớm, áp lực lũ mạnh nhất, lúa thu đông vùng này chịu ảnh hưởng nặng bởi lũ.

Do đó, ở những vùng đê bao chưa hoàn chỉnh, lịch thời vụ không kịp né lũ, thì Cục Trồng trọt khuyến cáo không thực hiện sản xuất lúa thu đông. Riêng vùng Đồng Tháp Mười thuộc địa phận tỉnh Long An không nên sản xuất lúa thu đông do không có hệ thống đê bao vững chắc.

Thứ hai là vùng ngập nông cặp sông Tiền, sông Hậu bao gồm một phần của tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang. Vùng này ít bị ảnh hưởng của lũ nên sản xuất trong phạm vi an toàn. Diện tích vùng ngập nông ổn định ở mức 260.000ha, một số tỉnh trong khu vực này vẫn còn khả năng mở rộng diện tích lúa thu đông trong những năm tới.

Ngoài ra, vùng ven biển gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cũng có diện tích lúa thu đông trong cơ cấu 3 vụ và thu đông 2 vụ. Vùng này lúa thu đông luôn luôn an toàn và có thể mở rộng ra nữa.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem