Vừa ứng phó, vừa tìm cách “sống chung” hạn, mặn

B.T Thứ tư, ngày 16/03/2016 07:32 AM (GMT+7)
Bằng nhiều giải pháp cả cấp bách, cả lâu dài, một số tỉnh ĐBSCL vừa căng sức ứng phó vừa tìm giải pháp “sống chung” với hạn hán, xâm nhập mặn.
Bình luận 0

Cà Mau: Dồn sức giữ U Minh Hạ

Trước tình hình mùa khô diễn biến khó lường, tỉnh đã đóng cửa toàn bộ lâm phần U Minh Hạ, nghiêm cấm các hoạt động khai thác, lấy mật ong, đốt đồng... Vườn quốc gia U Minh Hạ và các đơn vị liên quan triển khai lực lượng xuống địa bàn trực 24/24 giờ; phương tiện trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR luôn trong tình trạng sẵn sàng.

img

Người dân nhiều nơi ở ĐBSCL đang phải mua nước ngọt với giá đắt đỏ để phục vụ sinh hoạt.    Ảnh: TÂY HỒ

Các chủ rừng trong lâm phần đã tiến hành dọn, san gạt đường lưu thông được 345km lộ đất đen và 203km kinh, đảm bảo đi lại tuần tra, kiểm tra tình hình rừng dễ dàng. Chuẩn bị 77 vỏ lãi và 85 máy phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hoá.

Bến Tre: Chuyển từ “phòng” sang “thích ứng”

Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu trước hết quan tâm tới người dân bằng cách tranh thủ mọi biện pháp để hỗ trợ nhân dân nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt, nhất là tìm cách đưa nước ngọt về một số vùng xa xôi (có trợ giá) với tinh thần không để bất cứ hộ dân nào thiếu nước uống. Về cơ cấu mùa vụ trong giai đoạn tiếp theo, chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải tuyên truyền cho người dân chỉ canh tác đúng 2 vụ lúa trong năm là đông xuân sớm và hè thu muộn. Các HTX thủy sản khẩn trương khai thác nghêu thịt và ngoài việc san thưa nghêu giống, phải đầu tư các hồ nước có độ mặn vừa phải để trữ nghêu giống dự phòng trong mùa mặn này…

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo mong muốn người dân Bến Tre làm một cuộc “Đồng khởi” dự trữ nước mưa; đề nghị các địa phương có điều kiện làm hồ dự trữ nước mưa với thể tích lớn cần phải khẩn trương ngay.

Kiên Giang, Hậu Giang: Đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt

UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng để bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt, góp phần bảo vệ sản xuất và nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân thì việc tiến hành đắp các đập theo đề xuất của ngành nông nghiệp là rất cấp bách và cần thiết trong tình hình hiện nay. Trước mắt tỉnh tiến hành thực hiện giai đoạn 1: Đắp các đập kênh Rạch Giá-Hà Tiên và tuyến kênh Rạch Giá-Long Xuyên.

Tại Hậu Giang, tuyến kênh Hậu Giang 3 có điểm đầu ở xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp) và đi qua địa bàn một số xã khác như Long Phú, Tân Phú (thị xã Long Mỹ); Thuận Hòa, Xà Phiên, Lương Tâm, Vĩnh Viễn và đến điểm cuối là Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ). Đây là tuyến kênh có vị trí quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hiện ngành chức năng của tỉnh, các địa phương có tuyến kênh đi qua đã lên kế hoạch, chuẩn bị tập kết vật tư và dự kiến trong tuần này sẽ tiến hành đắp đập thời vụ ở hai đầu của tuyến kênh này./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem