Xác định 9 “nhiệm vụ” đối với kinh tế hợp tác

T.T.V Thứ hai, ngày 22/12/2014 15:50 PM (GMT+7)
Để góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, Dân Việt xin trích đăng một phần bài viết “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp” của TS. Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Bình luận 0

…Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) từ Trung ương đến cơ sở đã tích cực triển khai, chủ động, sáng tạo từ công tác tuyên truyền, vận động đến các hoạt động xây dựng các loại hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp góp phần quan trọng hoàn thành quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống của dân cư nông thôn.

img

Phó Chủ tịch thường trực Trung Ương Hội Nông Dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng thăm một gia đình trồng cam Cao Phong ( Hòa Bình).

Để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, quyết định của Trung ương Hội NDVN, tháng 7.1999 Hội NDVN đã xây dựng Đề án "Vai trò và nhiệm vụ của Hội NDVN trong hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân và tham gia phát triển tổ chức kinh tế hợp tác ở nông thôn". Đề án đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 3 (khóa III) Ban Chấp hành Trung ương Hội. Đến tháng 7.2011, Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN đã tiến hành tổng kết về hoạt động của Hội NDVN tham gia tổ chức kinh tế tập thể ở nông thôn, đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2020.

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) với nội dung “có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động hiệu quả”.
Nghị quyết số 26 - NQ/TW ngày 5.8.2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định: "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là Hội NDVN. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn; tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

img 
Tổ hợp tác thu hoạch lúa ở huyện Hòa Bình giúp nhiều nông dân giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập.

Chăm lo xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước". Kết luận số 61-KL/TW ngày 03.12.2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10.5.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011- 2020.
 

Trên cơ sở báo cáo tổng kết 10 năm kết quả Hội Nông dân Việt Nam tham gia xây dựng và phát triển tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, Hội NDVN xác định vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Hội với phong trào hợp tác xã trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế:

1- Tuyên truyền về vai trò, vị trí và tác động của hợp tác xã đối với sự phát triển của kinh tế hộ, kinh tế trang trại của nông dân, nông thôn:

Kinh tế Hợp tác xã là một tổ chức tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi do những người lao động, các hộ gia đình, các doanh nghiệp tự nguyện liên kết lại với nhau để đáp ứng các nhu cầu chung về kinh tế văn hóa, xã hội của các thành viên. Tham gia kinh tế Hợp tác xã trước hết để hạ thấp chi phí và nâng cao doanh thu trên mỗi đơn vị sản phẩm của các thành viên. Kinh tế Hợp tác xã khác với các thành phần kinh tế khác ở chỗ: Thành lập trên cơ sở tự nguyện, mọi quan hệ là bình đẳng (khi quyết định một vấn đề nào đó người góp phần nhiều vốn cũng như người góp ít vốn đều chỉ có một lá phiếu hoặc một cánh tay giơ lên); các vấn đề đều được đưa ra bàn bạc dân chủ trước khi quyết định và mục tiêu hoạt động cao nhất là hiệu quả sản xuất kinh doanh.

 

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) với nội dung “có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động hiệu quả”.

 

Thành viên gia nhập kinh tế Hợp tác xã là vì họ cần được sự trợ giúp những việc mà họ không thể tự làm hoặc làm không có hiệu quả. Nhờ tham gia vào tổ chức kinh tế này mà các thành viên khắc phục được những nhược điểm và hạn chế của mình. Kinh tế Hợp tác xã là một tổ chức mang tính cộng đồng cao, gắn với cộng đồng chung và cộng đồng địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phúc lợi công cộng, đề cao tinh thần đoàn kết tương trợ nhau trong sản xuất, đời sống, giúp đỡ hộ gia đình khó khăn. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thành phần kinh tế Hợp tác xã như: Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Luật Hợp tác xã năm 2012; các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật và các Chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương.

 

2- Trên cơ sở nâng cao nhận thức của hội viên nông dân, cán bộ Hội tích cực vận động họ tham gia xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác xã phù hợp trong nông nghiệp, nông thôn, Cán bộ Hội các cấp, nhất là cấp xã (phường, thị trấn) và các chi, tổ Hội trưởng là thành viên nòng cốt củng cố và xây dựng các tổ hợp tác. Những tổ hợp tác đang hoạt động nhưng chưa đăng ký chứng thực thì hướng dẫn đăng ký chứng thực với Uỷ ban nhân dân cấp xã, nhằm tạo sự ủng hộ và tạo môi trường pháp lý cho các tổ  hoạt động chặt chẽ hơn, thuận lợi hơn, rà soát, cân nhắc từng khâu công việc của kinh tế hộ như: Thủy nông nội đồng, làm đất bằng máy, phòng trừ dịch bệnh, cung ứng giống tốt v.v... tính toán lợi ích, vận động hội viên thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết... để đoàn kết gắn bó với nhau hỗ trợ kinh tế hộ hoạt động ngày càng có hiệu quả.

Căn cứ vào tình hình phát triển các hợp tác xã ở mỗi địa phương, Hội Nông dân các cấp chỉ đạo Hội Nông dân các xã, phường, các chi, tổ Hội trưởng tư vấn giúp các tổ hợp tác có quy mô lớn, mức độ hoạt động sâu, rộng hơn phát triển thành các Hợp tác xã; Hợp tác xã sản xuất; Hợp tác xã dịch vụ (HTX kiểu mới), Hợp tác xã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, Hợp tác xã cổ phần (doanh nghiệp - HTX). Tiến tới xây dựng các Liên minh hợp tác xã với quy mô lớn hơn, mức hoạt động rộng và hiệu quả kinh tế cao hơn.

3- Trong chỉ đạo thực tiễn, phát hiện những khâu, những lĩnh vực kinh tế hộ hợp tác với nhau sẽ hiệu quả hơn như: Cùng nhau hợp vốn, hợp sức đấu thầu hoặc xây dựng một trạm bơm, một đoạn kênh mương để chủ động tưới tiêu cho các hộ có ruộng xung quanh khu vực đó; cùng nhau hợp vốn mua ôtô tải hạng nhẹ để vận chuyển, cùng nhau mua vật tư bảo đảm chất lượng với giá rẻ hơn cho các hộ thành viên hoặc hợp tác cùng nhau thuê cán bộ thú y, cán bộ bảo vệ thực vật để canh tác khoa học, phòng sâu bệnh và cùng nhau phun thuốc trừ sâu bệnh nếu có... căn cứ vào những điều kiện thực tế đó, trưởng các chi tổ Hội, cán bộ Hội Nông dân xã, phường làm đầu mối khâu nối những nhu cầu đó để xây dựng những tổ chức kinh tế hợp tác xã từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, từ những tổ hợp tác đơn giản (như tổ hợp tác để cùng nhau mua vật tư, máy móc với chi phí thấp hơn, đoàn kết giúp nhau bán nông sản giá cao hơn, tổ hợp tác hỗ trợ nhau trên biển...) đến các hợp tác xã lớn quy mô cấp xã, huyện, tỉnh, hoạt động đa ngành, đa nghề với hiệu quả cao.

4- Hướng dẫn trình tự cách thức và thủ tục hành chính để thành lập các loại hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn như:

Việc thành lập tổ hợp tác phải căn cứ Luật Dân sự (từ Điều 111 đến Điều 120), Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác và Thông tư 04/2008/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức hoạt động của tổ hợp tác và các hướng dẫn cụ thể tại mỗi địa phương; việc phát triển từ các tổ hợp tác lên các hợp tác xã hoặc thành lập ngay các hợp tác xã được thực hiện  theo Luật Hợp tác xã và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

5- Củng cố chặt chẽ mối quan hệ giữa kinh tế hộ nông dân, với các hình thức kinh tế tập thể trong nông thôn. Tập trung các hoạt động của hợp tác xã vào dịch vụ phục vụ cho 3 lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế hộ nông dân là:

Chất lượng, giá cả của vật tư, máy móc phục vụ đầu vào, một số khâu trong quá trình sản xuất như: Thủy nông, bảo vệ thực vật, thú y, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, khâu giống, làm đất, thu hoạch...; tiêu thụ sản phẩm với khối lượng lớn, được giá hơn, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cho mỗi hợp tác xã, liên minh hợp tác xã.... không chỉ trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, cần tập trung kết quả sản xuất kinh doanh của hợp tác xã và huy động các nguồn lực từ kinh tế hộ để xây dựng các nguồn, quỹ cho kinh tế hợp tác xã để kinh tế hợp tác xã ngày càng có điều kiện phục vụ tốt hơn cho kinh tế hộ.

6- Chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình, tiên tiến

Phát hiện các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã mạnh, chỉ đạo xây dựng điểm, tiến hành sơ kết, tổng kết đúc kết bài học kinh nghiệm, tổ chức cho cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hội viên nông dân có nhu cầu hợp tác thăm quan, học tập, tọa đàm để nhân rộng mô hình. Khai thác các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án tăng cường tuyên truyền. Đồng thời, vận động, tư vấn hướng dẫn cho các chủ hộ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã.

7- Hình thành các chi, tổ hội nông dân trong các loại hình kinh tế tập thể, cứ mỗi tổ hợp tác có một chi, tổ hội nông dân. Ở các hợp tác xã quy mô nhỏ cấp thôn (ấp, bản, làng) thành lập các chi hội nông dân vừa vận động hội viên nông dân tích cực xây dựng hợp tác xã vững mạnh, vừa thực hiện vai trò đại diện cho hội viên là xã viên giám sát hoạt động của hợp tác xã. Ở các hợp tác xã lớn, quy mô toàn xã hoặc liên xã nên thực hiện cơ chế lồng ghép cán bộ hội nông dân các xã, phường; các thôn, ấp, bản, làng cử cán bộ tham gia quản lý các hợp tác xã, nhằm đại diện cho hội viên nông dân là xã viên giám sát quá trình hoạt động và xây dựng các hợp tác xã vững mạnh. Đồng thời vận động cán bộ của các tổ chức kinh tế tập thể  tham gia Ban Chấp hành Hội Nông dân xã, phường và các tổ hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn.

8- Lồng ghép giữa tuyên truyền và chủ động xây dựng, phát triển hợp tác xã: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tạp chí Nông Thôn Mới, Website Trung ương Hội, các bản thông tin công tác Hội, các hình thức văn hóa, văn nghệ, các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, sinh hoạt chi, tổ Hội... để tuyên truyền và chủ động xây dựng, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác xã phù hợp. Đồng thời lấy các mô hình kinh tế tập thể mạnh, điển hình phục vụ cho công tác tuyên truyền của Hội.

9- Chủ động và phối hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ Hội ở cơ sở là lực lượng trực tiếp cùng hội viên nông dân xây dựng các mô hình Hợp tác xã. Bám sát Nghị quyết của cấp ủy và Quyết định của chính quyền về phát triển các Hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn, chủ động xây dựng các đề tài, dự án, kế hoạch, chương trình hành động tham mưu cho cấp ủy và chính quyền. Đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã...) và tranh thủ mọi nguồn vốn trong nước và ngoài nước để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ các cấp Hội.

(Tít bài do Tòa soạn đặt.)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem