Xây dựng nông thôn mới: Hết tiền là... hết xây!

Thứ tư, ngày 17/04/2013 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có tiền thì xây dựng cơ sở hạ tầng rầm rộ, không thì ngồi chờ “trên” cấp vốn, đó là thực trạng xây dựng nông thôn mới (NTM) ở rất nhiều xã hiện nay.
Bình luận 0

Thậm chí, nhiều xã vì muốn làm NTM trong thời gian ngắn đã ôm nợ tới cả chục tỷ đồng.

Dừng thi công vì không có tiền

Phượng Mao (huyện Quế Võ) là 1 trong 8 xã điểm của tỉnh Bắc Ninh về xây dựng NTM. Khi mới được chọn làm “điểm”, xã này đã rất hăng hái phấn đấu và đạt liền một mạch tới 15/19 tiêu chí NTM, còn 4 tiêu chí chủ yếu liên quan đến tiền là xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông chưa hoàn thành.

Theo kế hoạch, để xây dựng NTM, Phượng Mao cần tới 81 tỷ đồng, song cho đến nay xã mới được tỉnh cấp gần 13 tỷ đồng. Cũng chính vì thiếu tiền, nên việc xây dựng NTM ở Phượng Mao đã… dừng từ tháng 4.2012.

img
Phần lớn số vốn để xây dựng NTM của Phượng Mao hiện nay đều trông chờ vào tiền bán đất.

Ông Nguyễn Mậu Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Mao cho biết, từ tháng 4.2012 do khó khăn về nguồn vốn, nên việc xây dựng các công trình phục vụ NTM đã phải dừng lại. Chúng tôi đang phải đề nghị tỉnh cho đấu giá bán đất để có thêm nguồn vốn, nhưng đất bây giờ cũng chẳng bán được. Theo ông Hiển, việc huy động vốn trong dân cũng rất khó, cho nên bây giờ chỉ còn trông chờ vào mỗi nguồn vốn của tỉnh và địa phương.

Cho đến thời điểm này, các công trình hạ tầng ở Phượng Mao hầu hết vẫn còn dở dang, ngoài khu chợ mới ra, đường giao thông, hệ thống thủy lợi của xã vẫn còn ngổn ngang nằm chờ… vốn. Không những thế, vào thời điểm này, Phượng Mao còn đang “ôm” nợ rất nhiều. Ông Hiển tiết lộ, nói thật số nợ của xã hiện nay rất nhiều bởi sau khi có chủ trương xây dựng NTM, xã đã triển khai thi công 14 công trình và cho đến nay chưa thanh toán được cho đơn vị nào, phần đối ứng 20% của địa phương chưa trả được một đồng nào.

Không chỉ là câu chuyện ở Phượng Mao

Tiếp câu chuyện với chúng tôi, ông Hiển nói, bây giờ chúng tôi chỉ trông chờ vào tiền bán đất để xây dựng NTM, nhưng thời điểm này bán đất rất khó. Vì thế, hiện xã Phượng Mao đang phải “xin” các đơn vị thi công cho nợ tiền xây dựng 3 công trình là đường giao thông, nhà văn hóa, thể thao.

Tâm sự với chúng tôi, ông Hiển bảo, nhiều lúc ông và lãnh đạo xã cũng phải “váng đầu” vì bị các đơn vị thi công đến xã để… đòi nợ, mà số nợ của xã giờ đã lên đến 17 tỷ đồng vẫn chưa biết lấy đâu ra tiền để mà trả.

Câu chuyện ở Phượng Mao kể trên không phải là cá biệt trong quá trình xây dựng NTM hiện nay. Trên thực tế, tại nhiều địa phương trên cả nước hiện cũng tắc ở vấn đề vốn, dẫn đến tắc trong triển khai xây dựng NTM. Theo tính toán, trung bình để làm NTM, phải cần ít nhất trên dưới 100 tỷ đồng, thậm chí như Hà Nội còn cần tới trên 220 tỷ đồng. Phần lớn số vốn trên, khi lập dự toán, các xã đều trông chờ vào ngân sách và huy động doanh nghiệp là chủ yếu, song cả 2 nguồn vốn này đều không thể đáp ứng được.

Do vậy, theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), xây dựng NTM hiện nay phải dựa vào huy động từ sức dân là chính. Song theo phân tích của chính TS Tuấn, những khó khăn của nền kinh tế hiện nay đã tác động xấu tới các mục tiêu phát triển nông thôn. Cụ thể, tốc độ xoá đói giảm nghèo đang chậm lại; doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế; việc làm và thu nhập của dân cư nông thôn đình trệ; từ đó dẫn tới ngân sách nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp ít tham gia, nên Chương trình xây dựng NTM thiếu vốn, giải ngân chậm.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần đặt mục tiêu xây dựng NTM ở mức khiêm tốn hơn là chỉ 10% số xã đạt NTM vào năm 2015 thay vì 20% như mục tiêu đã đề ra. Điều này vừa để cho các xã có “thời gian”, vừa để tránh tình trạng chạy theo thành tích dẫn tới nợ nần hoặc chậm không thể xây dựng NTM do thiếu tiền như hiện nay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem