Xây dựng nông thôn mới ở Bình Dương: “Cú hích” từ phát triển hạ tầng

TÂN TIẾN Thứ hai, ngày 07/12/2015 06:00 AM (GMT+7)
Dự kiến đến năm 2020, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, vì vậy ngay trong thời gian đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh này đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nhằm tạo “cú hích” cho phát triển đô thị.
Bình luận 0

Với 21 xã vừa được công nhận đạt chuẩn NTM, đến nay tỉnh Bình Dương đã có tổng số 32 xã NTM (đạt 65% kế hoạch). Dự kiến 16 xã còn lại sẽ về đích trước năm 2020, trong đó nhiều xã được nâng lên phường.

Hướng tới đô thị hóa

img

Trường THPT Long Hòa đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí NTM. Dự kiến đến năm 2020, xã Long Hòa sẽ trở thành đô thị loại V.  Ảnh: T.T

Điển hình cho việc xây dựng NTM gắn với chiến lược phát triển đô thị là huyện Dầu Tiếng. Theo ông Nguyễn Phương Linh - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Dầu Tiếng, do đã định hướng xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị nên 5 năm qua, huyện Dầu Tiếng đã tập trung khai thác các nguồn lực nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng  kinh tế-xã hội đồng bộ.

Đến nay, huyện đã phát triển được 45 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN), nâng tổng số doanh nghiệp công nghiệp lên 46 đơn vị và 75 cơ sở TTCN; khởi công xây dựng cụm công nghiệp Thanh An; nâng cấp, mở rộng 45,62km đường nhựa, 140km đường sỏi đỏ; 100% đường liên xã đạt chuẩn NTM; 90% đường  giao thông nông thôn xã, đường trục ấp được cứng hóa, mặt đường rộng từ 4m trở lên nên xe cơ giới lưu thông rất thuận tiện...

“Huyện Dầu Tiếng có 11 xã và 4 thị trấn thì hầu hết các xã đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện tập trung đầu tư xây dựng thị trấn Dầu Tiếng trở thành đô thị loại IV, đô thị Bến Súc, Long Hòa và Minh Hòa trở thành đô thị loại V theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt” - ông Linh khẳng định.

Dân đồng thuận cao

  21 xã của tỉnh Bình Dương được đề nghị xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015, gồm: 5 xã của huyện Dầu Tiếng, 4 xã của thị xã Tân Uyên, 5 xã của huyện Bắc Tân Uyên, 5 xã của huyện Phú Giáo, 1 xã của huyện Bàu Bàng và 1 xã của thị xã Bến Cát. 

Không riêng huyện Dầu Tiếng, các thị xã Tân Uyên, thị xã Bến Cát… cũng đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng NTM gắn với đô thị hóa.

Anh Nguyễn Hoàng Quân (ngụ xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên) phấn khởi nói: “Nhà tôi làm nghề trang điểm cho cô dâu, trước đây đường giao thông rất xấu nên công việc làm ăn cũng cầm chừng. Từ khi đường sá được trải nhựa thông thoáng, sạch đẹp, việc kinh doanh của gia đình tôi thuận lợi hơn hẳn. Nếu xã tiếp tục phát triển lên phường, tôi tin chắc đời sống người dân quê tôi sẽ ngày càng khá lên”.

Ông Nguyễn Tấn Bình - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương cho biết: “Ngoài 21 xã vừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, còn có huyện Dầu Tiếng (9/11 xã đạt NTM) và thị xã Tân Uyên (5/6 xã đạt NTM) đề nghị Bộ NNPTNT trình Thủ tướng xét đạt huyện, thị xã đạt chuẩn NTM trong năm 2015.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục xây dựng các xã còn lại đạt chuẩn NTM theo hướng phát triển đô thị, có nghĩa theo lộ trình Bình Dương đến trước năm 2020 sẽ trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. Do đó trong quá trình xây dựng NTM, ngoài các tiêu chí NTM hình thành từng bước thì nơi nào có đủ điều kiện cơ sở vật chất sẽ hình thành cơ quan hành chính cấp phường theo hướng phát triển đô thị.

Cùng với chuyển dịch lao động và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến trong thời gian tới sẽ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khu vực nông thôn. Đối với 16 xã còn lại, chúng tôi quyết tâm xây dựng đạt chuẩn NTM trước năm 2020”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem