Xây dựng NTM tại Hà Nội: “Ưu tiên những công trình thiết thực”

Trọng Đạt (thực hiện) Thứ hai, ngày 17/11/2014 10:34 AM (GMT+7)
“Quan điểm về xây dựng nông thôn mới của Hà Nội là không chỉ tập trung ưu tiên ở các xã điểm mà tất cả các xã đều triển khai... Thành ủy chỉ đạo phải căn cứ vào thực tế của địa phương để đầu tư, ưu tiên những công trình thiết thực”.  
Bình luận 0

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Công Soái – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội (Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015) trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên NTNN.

Thưa ông, sau 4 năm xây dựng nông thôn mới (xây dựng NTM), dấu ấn nào cho thấy sự quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TP.Hà Nội?

- Hà Nội là địa phương duy nhất có riêng một chương về xây dựng NTM trong dự thảo báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2010-2015, với mục tiêu đến năm 2015, có 40% số xã đạt chuẩn NTM. Thành ủy có Chương trình 02 về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân". Hội đồng nhân dân thành phố có đề án, cấp thành phố, huyện, xã đều có đề án và kế hoạch thực hiện chi tiết.

img

Ông Nguyễn Công Soái (giữa) kiểm tra tiến độ dồn điền đổi thửa tại xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).  Ảnh tư liệu

Ở cấp thành phố và huyện, ngoài Ban chỉ đạo còn có tổ công tác với thành viên là đại diện các sở, ban, ngành, có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp các xã khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, xây dựng và xác định rõ những nội dung của từng tiêu chí. Các kế hoạch, đề án đều rõ người, rõ việc, rõ thời hạn. Thành phố tổ chức 518 lớp tập huấn cho gần 35 nghìn cán bộ từ cấp thôn đến cấp thành phố, với các nội dung chủ yếu là công tác lập quy hoạch, xây dựng đề án, làm thế nào để huy động các nguồn lực..., việc làm này nhằm làm thay đổi nhận thức, không coi xây dựng NTM là một "đại dự án" chờ Nhà nước đầu tư. Nhận thức đúng thì hành động sẽ chuẩn.

Với đặc thù Thủ đô, nông thôn gắn kết đô thị, Hà Nội đã có chỉ đạo như thế nào về quy hoạch và thực hiện quy hoạch để xây dựng nông thôn trong tầm nhìn đô thị, thưa ông?

Quan điểm
img
Ông Nguyễn Công Soái • Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội
 Cái được của việc thực hiện xây dựng NTM không chỉ là đường sá khang trang hơn, mà tình làng nghĩa xóm được phát huy, các thủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ. Trình độ của cán bộ cũng nâng cao. Cán bộ xã phải tự học hỏi, nghiên cứu về quy hoạch, xây dựng đề án... Từ đó, mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân ngày càng gắn bó”. 
- Hà Nội có thuận lợi là sau khi sáp nhập, mở rộng từ năm 2008 thì đến 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung. Từ đó chúng tôi hình dung ra đâu là đô thị trung tâm, đâu là vùng vành đai xanh và vùng nông nghiệp.

 

Căn cứ vào quy hoạch chung đó các địa phương tiến hành quy hoạch NTM theo đặc thù nhưng phải gắn kết với quy hoạch của thành phố. Chẳng hạn ở Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Từ Liêm... là những huyện thuộc vùng đô thị trung tâm trong tương lai thì phải quy hoạch cho phù hợp với đô thị trung tâm, nhất là những vị trí còn đất nông nghiệp nhưng sẽ trở thành đô thị phải quy hoạch theo hướng đó. Tương tự, trong quá trình đầu tư hạ tầng nông thôn, các địa phương cũng phải căn cứ vào quy hoạch chung để quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối giao thông đô thị, phù hợp với quy hoạch giao thông của Thủ đô.

Thành phố cũng yêu cầu các xã ven đô trong vùng trung tâm khi quy hoạch theo tiêu chí của phường trong tương lai, mà bài học của Từ Liêm là minh chứng cụ thể. Khi trở thành quận, nhờ công tác quy hoạch phù hợp với quy hoạch đô thị nên việc đầu tư các công trình hạ tầng đô thị của Từ Liêm rất thuận tiện.

Với đặc thù “tấc đất tấc vàng” của Thủ đô, công tác dồn điền đổi thửa của Hà Nội gặp những khó khăn như thế nào?

- Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là một công việc rất khó khăn nhưng nếu không làm được thì nông nghiệp Hà Nội không phát triển được. Bởi bình quân đất nông nghiệp của Hà Nội chỉ khoảng 300m2/người. Có gia đình có từ 15-20 thửa ruộng, thậm chí 27-39 ô thửa như ở huyện Chương Mỹ, Sóc Sơn.

Khó khăn nhất là tư tưởng của người dân. Người dân đã được cấp “sổ đỏ” rồi giờ làm thế nào để người dân chấp thuận việc dồn đổi. Do vậy phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nếu không quyết tâm thì không làm được. Trước đó rất nhiều năm (từ năm 2002), Hà Nội đã triển khai ở Sóc Sơn, tới năm 2012 vẫn không thành công. Tỉnh Hà Tây trước đây cũng đã có 2 nghị quyết về DĐĐT nhưng cũng chỉ được ở mức độ rất hạn chế.

Vậy chính quyền thành phố đã có những giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn lâu năm này?

- Để tháo gỡ khó khăn, Hà Nội đã tạo hành lang để thực hiện đó là quy hoạch, cùng với chính sách hỗ trợ, căn cứ vào đó để tuyên truyền cho người dân. Để người dân nhận thấy đây là việc làm chỉ có lợi cho mình... Nhiều cán bộ chủ chốt ở các huyện kêu khó, không làm được. Trong các buổi giao ban đầu tiên là anh em kêu khó, đã làm rồi nhưng thất bại. Bởi vậy khi làm việc ở cơ sở, lãnh đạo Thành ủy, UBND phải tập trung làm rõ tầm quan trọng của DĐĐT. Nhờ đó, đến nay toàn thành phố đã hoàn thành DĐĐT được 74.158,21/76.365,07ha, đạt trên 97,11% so với kế hoạch.

Đối với vấn đề đầu tư hạ tầng nông thôn, các nguồn lực đã được Hà Nội triển khai như thế nào, thưa ông?

- Sau khi dồn đổi, toàn thành phố đã dành ra được 1.477,66 ha để làm giao thông nội đồng và các công trình phúc lợi... Trong xây dựng hạ tầng, chú ý làm trước đường, kênh mương, đường điện. Nhà trẻ, trường mẫu giáo tập trung sửa chữa lại chứ không đập đi xây mới. Nhà văn hóa, chợ, trụ sở làm việc được sửa chữa, xây dựng sau cùng. Quan điểm chỉ đạo của thành phố là không đầu tư dàn trải, bởi nguồn lực, sức dân có hạn.

Trong phân bổ nguồn vốn xây dựng NTM, Hà Nội có phân biệt xã làm điểm và xã không làm điểm như một số tỉnh thành phố khác?

- Quan điểm về xây dựng NTM của Hà Nội là không chỉ tập trung ưu tiên ở các xã điểm mà tất cả các xã đều triển khai. Năm 2014, có 84 xã đăng ký đạt chuẩn xây dựng NTM, trong đó có 19 xã dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nhưng cũng đã đăng ký hoàn thành trước 1 năm. Thành ủy chỉ đạo phải căn cứ vào khả năng thực tế của địa phương để đầu tư, ưu tiên những công trình thiết thực. Trước khi triển khai phải được sự đồng thuận của người dân. Không phải địa phương muốn làm gì thì làm mà phải theo hướng dẫn của thành phố. Hà Nội có nghị quyết riêng về hỗ trợ những xã vùng khó khăn, sẽ ưu tiên về nguồn lực và yêu cầu các cơ quan, đoàn thể vào cuộc hỗ trợ các địa phương này.

Năm 2015 là năm cuối của Chương trình 02, định hướng chỉ đạo của Hà Nội xây dựng NTM thời gian tới?

- Để tiếp tục thực hiện Chương trình 02, Hà Nội phải làm tốt công tác dự báo tình hình kinh tế-xã hội, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng NTM. Đặc biệt, lãnh đạo các sở, ngành phải tham mưu với thành phố tăng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nếu có thêm nguồn lực, nông thôn Hà Nội chắc chắn sẽ phát triển rõ nét hơn nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

  Tính đến tháng 9.2014 tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn thành phố Hà Nội là hơn 19.286 tỷ đồng (không tính 2 quận tách ra từ huyện Từ Liêm cũ). Trong đó vốn ngân sách nhà nước hơn 14.528 tỷ đồng (ngân sách thành phố 5.416 tỷ đồng, huyện 8.368 tỷ đồng, xã 742 tỷ đồng). Nhân dân đóng góp gần 2.655 tỷ đồng. Nguồn huy động từ các doanh nghiệp và các nguồn khác là hơn 2.103 tỷ đồng. Đến cuối 2013, Hà Nội đã có 50 xã đạt chuẩn NTM. (Nguồn: Ban chỉ đạo)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem