Xóa đói giảm nghèo 2016-2020: Nhiều nơi đạt thành tích ấn tượng

Minh Nguyệt Thứ năm, ngày 05/12/2019 15:29 PM (GMT+7)
Chỉ còn khoảng một năm nữa là sẽ kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Mặc dù các địa phương đã đạt được nhiều thành quả trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạn chế tái nghèo nhưng về cơ bản, kết quả giảm nghèo vẫn chưa bền vững, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo vẫn còn cao giữa các vùng miền.
Bình luận 0

Tốc độ giảm nghèo từ 1 -1,3%/năm

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) của Quốc hội cuối năm 2018 về vấn đề giảm nghèo đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ về những kết quả quan trọng trong thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo và hạn chế tái nghèo. Theo đó, hết  năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,70% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016); cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng 1,0-1,3% so với năm 2017).

Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm; tại các xã thuộc Chương trình 135 giảm khoảng 3 - 4%/năm, đạt mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo Nghị quyết 142/2016/QH13 của Quốc hội. Tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực, tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017).

Bên cạnh đó, một số tỉnh duy trì được tình trạng không tái nghèo như: Hà Nội; TP. Hồ Chí Minh;  Đà Nẵng; Bình Dương... Một số tỉnh thuộc khu vực khó khăn đạt thành tích ấn tượng trong kéo giảm tỷ lệ tái nghèo.

img

Tại các xã thuộc Chương trình 135, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3 - 4%/năm trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Ảnh chụp tại huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Minh Nguyệt

Mặc dù vậy, theo bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ tịch UBCVĐXH của Quốc hội cũng chỉ ra thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững.

Đến tháng 3/2018, tuy đã có 8/64 huyện 30a được công nhận thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại có thêm 29 huyện thuộc 18 tỉnh được xét bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020.

Có 12 tỉnh tỷ lệ tái nghèo có xu hướng tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó gồm cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi như Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kiên Giang; một số tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu có tỷ lệ tái nghèo tăng mạnh trong năm 2017.

Số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo (107.499/467.326 hộ), tương ứng cứ 4 hộ thoát nghèo thì phát sinh thêm 1 hộ nghèo mới; chỉ có 5 tỉnh, thành phố không có hộ nghèo mới phát sinh hoặc không đáng kể.

Nhiều tỉnh thuộc khu vực miền núi Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao,  như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông. Đây cũng là những địa bàn gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng của thiên tai, lũ lụt trong 2 năm qua.

Thêm vào đó, tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền; nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%. Trong đó tỉnh Điện Biên có 5 huyện 30a thì 4/5 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trong khoảng 60 - 70% (Mường Nhé: 69,34%; huyện Nậm Pồ 63,39%; huyện Điện Biên Đông 60,76%; huyện Tủa Chùa 60,10%). Tỉnh Yên Bái chỉ có 2 huyện 30a nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng rất cao Trạm Tấu: 60,05%; huyện Mù Cang Chải: 59,27%.

Xu hướng gia tăng khoảng cách giàu - nghèo ngày càng rõ rệt. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, nhiều nhóm dân tộc chỉ đạt mức thu nhập bình quân 7 – 8 triệu đồng/người/năm, bằng khoảng 1/5 thu nhập bình quân đầu người của cả nước (37 triệu đồng/năm).

Nhanh chóng khắc phục tồn tại, hạn chế

Mặc dù đạt được một số thành tựu trong công cuộc giảm nghèo nhưng việc giảm nghèo của Việt Nam vẫn chưa bền vững. Theo báo cáo thẩm tra, 2 chỉ số về giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn và tình trạng đi học của trẻ em) và chỉ số về tiếp cận dịch vụ y tế ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ thiếu hụt rất cao so với tỷ lệ trung bình cả nước, một số tỉnh thiếu hụt ở mức rất trầm trọng cho thấy chênh lệch về khả năng tiếp cận giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa các nhóm dân tộc và giữa các khu vực chưa được thu hẹp có hiệu quả.

img

Nhiều hộ nghèo ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa) vẫn chưa có nhà ở kiên cố. Ảnh: Minh Nguyệt

Kết quả điều tra nghèo năm 2017 cho thấy, tại một số khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, tỷ lệ hộ nghèo thấp lại có mức độ thiếu hụt về tiếp cận dịch vụ y tế cao hơn các vùng khó khăn. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích, đánh giá kết quả cụ thể về những vấn đề này, làm cơ sở để định hướng biện pháp giải quyết trong thời gian tới, khắc phục tình trạng thiếu trường học, thiếu giáo viên, thiếu hạ tầng xã hội để bảo đảm tiếp cận giáo dục và y tế cho người dân.

Tuy các chỉ số về tiếp cận bảo hiểm y tế, sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản tiếp cận thông tin đã được cải thiện nhanh chóng từ năm 2016 - 2017 nhưng sự thiếu hụt các chỉ số ở các chiều nghèo về nhà ở, tiếp cận nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh còn rất trầm trọng, phản ánh chất lượng sống không đảm bảo của người dân.

Quá trình đô thị hóa và di dân tự do làm nảy sinh nhiều thách thức đối với việc bảo đảm cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đối với người di cư, đặc biệt là vấn đề nhà ở, trường học và chăm sóc y tế đối với người nghèo đô thị, người lao động ở các khu công nghiệp.

Nghị quyết 76 và Quyết định 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 nêu rõ một số chỉ tiêu định lượng quan trọng (giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và giải quyết đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề cho ít nhất 80% hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo; bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; phấn đấu 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn…), nhưng báo cáo của Chính phủ chưa có thông tin đánh giá về kết quả thực hiện các chỉ tiêu này, nên Thường trực Ủy ban chưa có cơ sở để nêu ý kiến thẩm tra.

Trong 3 năm (2016-2018), ngân sách Trung ương đã giao 21.597,557 tỷ đồng, bằng 52,1% tổng vốn cả giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 14.906,146 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 6.691,411 tỷ đồng, cùng với khoảng 60.111 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem