Nhà toán học tiền vận không… hanh thông!

Thứ sáu, ngày 31/01/2014 09:51 AM (GMT+7)
Cho phép tôi được dùng thuật ngữ tử vi để vui chuyện đầu xuân một chút khi kể về GS Lê Tuấn Hoa- Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Viện trưởng Viện Toán học.
Bình luận 0
Hậu vận của nhà toán học ấy thật hanh thông, nhưng tiền vận thì không!…

Khởi đầu là trượt vỏ chuối


Đầu mùa hè 1974, đội dự tuyển quốc gia nước ta được thành lập, gồm 9 học sinh, chuẩn bị dự Olympic Toán quốc tế (IMO) lần thứ 16 tổ chức tại Berlin, thủ đô Cộng hòa Dân chủ Đức. Các bạn trẻ được tập trung về tại dãy nhà lắp ghép mới xây, nóng như nung, trong sân sau trụ sở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ở số 9 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hầu hết là các học sinh lớp cuối phổ thông chuyên toán của ba trường đại học lớn: Tổng hợp Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 1, và Sư phạm Vinh. Hoàng Lê Minh, Đặng Hoàng Trung, Nguyễn Quốc Thắng học chuyên toán Tổng hợp; Vũ Đình Hòa, Tạ Hồng Quảng - chuyên toán Sư phạm 1; Lê Tuấn Hoa - chuyên toán Sư phạm Vinh;... Hàng ngày, các bạn được những thầy giáo giỏi kèm ôn luyện trong vòng vài tháng trước kỳ thi.

  GS Lê Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) tại Đại hội Toán học Thế giới ở Ấn Độ, tháng 8.2010,  Đại hội đã trao Giải thưởng Fields cho GS Ngô Bảo Châu.
GS Lê Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) tại Đại hội Toán học Thế giới ở Ấn Độ, tháng 8.2010, Đại hội đã trao Giải thưởng Fields cho GS Ngô Bảo Châu.

Lúc bấy giờ, tôi là phóng viên trẻ của tờ Hà Nội Mới, say mê đề tài học sinh giỏi, thường lui tới dãy nhà lắp ghép, nơi đội dự tuyển tập trung, trò chuyện với các bạn sau giờ ôn luyện, “khai thác tài liệu” để dành viết báo.

Ngày đó, số nước dự IMO chưa nhiều, cho nên đoàn học sinh mỗi nước gồm 8 người. Về sau, số nước dự thi đông hơn - chẳng hạn, IMO 2012 ở Argentina lên tới 100 nước - nên mới rút bớt lại chỉ còn 6. Hồi đó ta dự để thăm dò là chính, bởi thế, đội tuyển không cần đủ 8 học sinh, mà chỉ chọn 5! Bốn bạn trong đội dự tuyển… bị loại! Trong đó có Lê Tuấn Hoa, người xếp… thứ 6! Sát nút! Tiếc quá!

Trước hôm đoàn học sinh ta lên đường đi Berlin, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lặng lẽ tiếp đoàn tại Phủ Chủ tịch, ân cần căn dặn, rồi mời các bạn trẻ ăn phở, xem phim. Thời ấy, phở là món hiếm. Nói “lặng lẽ” bởi vì giới báo chí - truyền thông không hề hay biết, đưa tin. GS Tạ Quang Bửu- Bộ trưởng Bộ Giáo dục hồi đó đặt hy vọng vào Vũ Đình Hòa, học sinh luôn dẫn điểm trong suốt mấy tháng tập trung ôn luyện sẽ giành được một tấm Huy chương Đồng.

Nhưng kết quả thật vượt xa mong đợi! Việt Nam đoạt 4 huy chương: Hoàng Lê Minh (vàng), Vũ Đình Hòa (bạc), Đặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng (đồng). Nguyễn Quốc Thắng thiếu 1 điểm thì đạt Huy chương Đồng.

Tất nhiên, tôi mê say viết những bài ký chân dung “nóng hổi” về các bạn trẻ đoạt huy chương như Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hòa. Những bài ký ấy được bạn đọc nồng nhiệt đón chào. Tuy nhiên, tiếc thay, từ đấy về sau, tôi không còn “ngó ngàng” gì tới những bạn khác trong đội dự tuyển nhưng, đến phút chót, bị loại! Lê Tuấn Hoa nằm trong số đó! Cho đến năm 2004…

Lặng lẽ bước lên

Nhà toán học Ngô Bảo Châu được tặng Giải thưởng Clay ở Mỹ. Để viết bài về anh Châu, tôi tìm gặp ông thân sinh, là GS Ngô Huy Cẩn. GS Cẩn đề nghị tôi nên hỏi chuyện thêm GS Lê Tuấn Hoa, lúc bấy giờ giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam. Anh Hoa là người đã cùng anh Vũ Đình Hòa dạy kèm anh Châu trong những năm trung học. Hơn nữa, anh Hoa lại nghiên cứu một chuyên ngành toán gần với anh Châu.

Giáp mặt anh Hoa rồi, tôi mới chợt nhớ ra rằng người học trò tỉnh Thanh năm nào trong đội… dự tuyển! Anh Hoa không may mắn như các bạn cùng lứa tuổi ở thủ đô…

Anh sinh ra tại một làng quê Thanh Hóa. “Nếu không có các kỳ thi học sinh giỏi thì thật khó tưởng tượng tôi - lời anh Hoa - có thể vượt xa lũy tre làng. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, làng quê ta còn nhiều tre lắm”. Phải giỏi toán lắm, một học sinh tỉnh lẻ như Lê Tuấn Hoa mới trúng tuyển vào khối chuyên toán Trường Đại học Sư phạm Vinh, những năm đó, trường sơ tán lên miền rừng núi Thanh Hóa.

Tôi chẳng hề chú ý, suốt thời gian dài sau đó, bằng cố gắng âm thầm và tài năng tiềm ẩn, Lê Tuấn Hoa tốt nghiệp cử nhân tại Belarus năm 1980, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Halle (Đức) năm 1990, rồi tiến sĩ khoa học tại Viện Toán học Việt Nam năm 1995, được Nhà nước ta công nhận phó giáo sư năm 1996, rồi giáo sư năm 2004.

Chân tình, khiêm tốn, ôn hòa và cẩn trọng, anh được các bạn đồng nghiệp yêu mến, tin cậy bầu làm Phó Viện trưởng Viện Toán học, Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Chủ tịch Hội Toán học Đông-Nam Á (nhiệm kỳ 2012 -2013). Hội Toán học nước ta hiện tập hợp hơn 1.000 tiến sĩ toán học. Gần đây, GS Lê Tuấn Hoa được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (do GS Ngô Bảo Châu làm Giám đốc khoa học).

Đúng là trời không phụ lòng những ai bền chí! Người xưa từng nói: “Lộ trường tri mã lực” (đường dài mới biết ngựa hay)… Năm 2011, GS Lê Tuấn Hoa được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba. Và, từ ngày 1.6.2013, anh được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Toán học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Anh là một tấm gương rất sáng về ý chí bền bỉ và nghị lực kiên cường. Tiền vận không hanh thông chẳng hề làm anh nản lòng thoái chí. Kiên trì nghiên cứu toán học, anh trở thành tác giả của 52 công trình về đại số giao hoán, hình học đại số và lý thuyết tổ hợp, đạt chỉ số trích dẫn cao.

Hàm Châu (Hàm Châu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem