Nhà văn Nguyễn Hiếu: “Nền văn học Việt Nam đã mất đi một cây bút tiểu thuyết hàng đầu"

Yến Linh Thứ bảy, ngày 19/06/2021 08:00 AM (GMT+7)
"Sức sáng tạo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là phi thường, khi mà ở tuổi gần 70, ông vẫn có thể viết và viết một cách đầy thăng hoa, sáng tạo", nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ.
Bình luận 0

Ngày 12/6, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - tác giả của các tiểu thuyết nổi tiếng như: "Mẫu Thượng ngàn", "Hồ Quý Ly", "Đội gạo lên chùa" qua đời, hưởng thọ 88 tuổi. Sự ra đi của ông khiến nhiều đồng nghiệp cũng như người yêu văn chương tiếc nuối. PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Hiếu về chặng đường sự nghiệp của cố tác giả Nguyễn Xuân Khánh.

Thưa nhà văn Nguyễn Hiếu, nhìn lại chặng đường của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trên văn đàn, điều gì khiến ông ấn tượng nhất?

- Đó chính là sức sáng tạo bền bỉ của cây bút gạo cội này. Là người viết văn, tôi biết độ tuổi sung sức nhất của một nhà văn là thời kỳ họ đang ở tuổi 40 đến 55. Lúc đó sức sáng tác dồi dào, bút lực vô cùng mạnh mẽ cùng với sự tìm tòi sáng tạo để tạo nên một phong cách riêng, nhưng sau lứa tuổi đó đa phần sức viết đều giảm. 

Nhà văn Nguyễn Hiếu: “Nền văn học Việt Nam đã mất đi một cây bút tiểu thuyết hàng đầu" - Ảnh 1.

Chân dung nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. (Ảnh: IT)

Anh Khánh lại khác, anh ấy bị gián đoạn trên dưới ba mươi 30 năm, mặc dù anh vẫn âm thầm trăn trở với nghiệp văn chương, khi quay lại văn đàn với những tác phẩm trình làng chính thức đã vào độ tuổi 67. Thế nhưng, ai cũng có thể thấy các tác phẩm của anh dày dặn, sung mãn và chặt chẽ, chỉn chu như thế nào. Các tiểu thuyết anh tung ra từ tuổi 67 đều có độ dài từ 500 – 700 trang, thậm chí lên tới gần 1000 trang với một dung lượng đầy ắp sự kiện, con người xã hội đương thời. Sự thăng hoa bị nén lại sau thời gian tích tụ bật ra, rồi bùng cháy lên ở lứa tuổi hiếm khiến chúng tôi không khỏi kính ngưỡng.

Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã khiến cho nền văn học Việt Nam mất đi một cây bút hàng đầu trong lĩnh vực tiểu thuyết. Với 3 cuốn "Hồ Quý Ly" (2000), "Mẫu Thượng ngàn" (2006) và "Đội gạo lên chùa" (2011), Nguyễn Xuân Khánh cho chúng ta thấy bức tranh đậm sắc nét về nền văn hóa, về tôn giáo, về sự phát triển xã hội và cả những tâm niệm của dân tộc ta, nổi trội trong đó là văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ông sử dụng vốn hiểu biết khổng lồ, thể hiện bằng cách viết già dặn và kĩ lưỡng. 

Nếu như nhiều tác giả bây giờ viết tác phẩm một cách hời hợt, lướt qua, né tránh tình tiết, tìm những thủ pháp này nọ để khoả lấp sự thiếu hiểu biết về cuộc sống, con người, ngành nghề… hoặc không quá đào sâu, thì ông Khánh chỉ viết những gì ông am hiểu tường tận, rạch ròi, trải nghiệm. Cũng bởi vậy tiểu thuyết nào của ông cũng vô cùng giá trị không chỉ ở góc độ văn chương mà cả xã hội, phong tục học.

Sau khi bị gián đoạn nghiệp viết trong 30 năm, cách viết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có đổi khác không, thưa ông?

- Có chứ! Dễ thấy ở tuổi mình cùng những trải nghiệm có thành công, có vấp ngã trong nghiệp văn chương ông Khánh vượt qua được sự bộc trực tức thời để vươn tới nắm bắt và thể hiện được hơi thở, hiện thực cuộc sống một cách toàn diện, thông minh và khéo léo hơn. 

Nhà văn Nguyễn Hiếu: “Nền văn học Việt Nam đã mất đi một cây bút tiểu thuyết hàng đầu" - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Hiếu cho biết, cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một người điềm đạm và hiểu biết. (Ảnh: NVCC)

Thêm nữa, cũng phải thấy việc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được xuất bản rộng rãi và độc giả yêu thích cho thấy sự đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trong việc nhìn nhận tác giả, tác phẩm trong lĩnh vực văn học cũng như các ngành nghệ thuật khác. Chính thay đổi này đã tạo cơ hội cho nhiều "đứa con tinh thần" có thêm đôi cánh sáng tạo của cá nhân tác giả được phép ra đời, đến và ghi dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngoài các trang viết, ông có từng gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi còn sinh thời? Cảm giác của ông về nhà văn gạo cội này như thế nào?

- Tôi và anh Khánh đều sinh ra tại tại hai làng láng giềng ở Hà thành. Tôi ở làng Chèm (tên nôm) Thụy Phương, còn anh Khánh ở làng Noi (tên nôm) Cổ Nhuế (Hà Nội). Đây đều là những làng cổ tiêu biểu của kinh thành Thăng Long - Đại Việt, cũng là cái nôi của nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Anh Khánh hơn tôi 15 tuổi. Tôi còn nhớ tôi đọc tác phẩm đầu tiên của anh vào năm 1958, trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, có tên là "Một đêm" khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Ngay trong trong những tác phẩm đầu phong cách văn chương của anh đã lộ ra sự kĩ của một nhà văn thận trọng và chặt chẽ trong nghề cầm bút

Sau này mỗi khi họp Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đều gặp anh Khánh và trò chuyện. Trong kí ức của tôi, đó là một nhà văn điềm đạm, giỏi ngoại ngữ, am hiểu sâu sắc về văn hóa, có vốn kiến thức khổng lồ về nhiều lĩnh vực như đạo Phật, Kinh dịch… Ở anh nổi lên tích cách đại lượng, cảm thông, dễ chia sẻ của người đàn ông từng trải. Khi nghe tin anh Khánh mất, không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp đều dành tình cảm tiếc thương và đau buồn trước sự ra đi của một đồng nghiệp đáng kính, đáng phục.

Xin chân thành cảm ơn ông!


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem