Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và “Dư âm” của một đời tài hoa

Minh Thi Thứ sáu, ngày 27/12/2019 09:32 AM (GMT+7)
Tin nhạc sĩ “Dư âm”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” qua đời ngày 26/12 làm nhiều người yêu nhạc thảng thốt. Vẫn biết ông tuổi cao, sức yếu nhưng sự ra đi của một nhạc sĩ tài hoa, từng làm xao xuyến lòng người với những ca khúc đậm chất dân ca và giàu cảm xúc vẫn là khoảng trống mất mát khó bù đắp nổi…
Bình luận 0

Sinh thời, mỗi lần đến gặp ông, người  ta lại nghe giọng cười rộn rã cùng những câu chuyện dí dỏm và những kỷ niệm một thời văn công chiến trường làm quà của ông. Ông nói say sưa về những ca khúc của mình, hoàn cảnh sáng tác bất ngờ, cùng những câu bình luận duyên dáng.

“Tôi lớn lên từ những câu ca dao, những câu dân ca, câu hát ả đào, nên dường như tất cả đã ngấm vào trong máu”, ông thường bắt đầu câu chuyện như vậy.  Thật vậy, cuộc đời ông chịu ảnh hưởng khá nhiều từ người cha, một nghệ nhân chơi nhiều đàn dân tộc, giỏi hát chèo, chầu văn… Lớn lên lại được linh mục người Tây Ban Nha dạy hòa thanh, hát bè, rồi được một nhạc sĩ người Trung Quốc dạy đánh đàn guitar Hawaii theo phong cách Mỹ. Cũng từ đó, trong ông đã có sự hòa điệu giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc phương Tây, để từ đó cất lên ca khúc tiền chiến “Dư âm” bất hủ và khá hiện đại so với thời đó.


img

Nguyễn Văn Tý là một trong những nhạc sĩ để lại những ca khúc nhiều dấu ấn cho nền tân nhạc.

Khi được hỏi vì sao ông toàn sáng tác về phụ nữ, ông cười vang: “Nói thật nhé, viết về đàn ông thì chán lắm. Chỉ có phụ nữ mới cho tôi niềm cảm hứng sáng tác thôi”.

Nói về “Dư âm”, ca khúc sống qua nhiều thế hệ, ông bồi hồi nhớ lại: Không phải là không có thật chyện “Mơ dáng em đang ôm đàn” đâu đấy.  Hồi đó, vào khoảng năm  1949-1950, ông  là Trưởng đoàn Văn công của Sư đoàn 304. Vô tình, gia đình người đồng đội muốn mai mối cho ông một người con gái khá đẹp. Thế nhưng, người này còn có một cô em gái lúc đó mới 16 tuổi. Và  tiếng sét ái tình đã đến khi ông nhìn vào đôi mắt của người con gái ấy. “Một đôi mắt hoàn toàn biết nói. Tôi đọc thấy trong đôi mắt đó những gì say đắm, sâu kín nhất…" .

Sau đó, ông bị gia đình này “cấm vận” - không cho liên lạc với cô em. Nhưng… nhớ quá, ông tới liều, ngồi uống trà cùng bạn ở một góc sân.  Rồi ông ngắm trăng mãi mới thấy nàng tay xách cây đàn guitar ra ngồi bên thềm hoa, xoay lưng về phía ông, tóc bay bay trong gió và cất tiếng hát. Nhưng vì ngồi xa nên ông không nghe rõ nàng hát những gì…

Trở về đơn vị, ông đốt ngọn đèn dầu, ngồi ôm đàn viết: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ…Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió, đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn”, chỉ trong một đêm là viết xong bản nhạc…”.

img

Nhạc sĩ và người bạn đời thời trẻ.

Rồi sau đó một thời gian, ông cũng gặp lại người yêu đầu đời khi đang ghé một doanh trại trú mưa. Ông đi như mất hồn ngang qua cô như chạy trốn, và tự nhủ: “Dù sao thì bây giờ người ấy cũng đã có chồng có con rồi. Mình yêu làm sao được!”. Nói thế nhưng kỳ thực là ông khó mà quên được cô. Tình yêu cũng như dư âm, làm gì có cái thật để mà yêu. Mà cái dư âm thì còn mãi, với ông, yêu như thế cũng là hạnh phúc vì không một ai bị tổn thương.

Còn một người con gái nữa thấp thoáng trong câu hát “Thương con đò cắm cây sào đứng đợi…” trong "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh". Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng  tiết lộ: “Con đò đó là một cô gái đã chờ đợi tôi suốt 20 năm mà tôi đi mãi không về, để bây giờ chỉ được mỗi một chữ “thương”, thật xót xa, tội nghiệp…”. Đó là tình cảm chớm nở với cô hàng xóm thường sang nghe ông chơi đàn guitar.

Sau này cô bị mẹ cấm không cho sang nữa rồi đi lấy chồng. Không lấy được ông, nhưng cô vẫn thương nhớ và mai mối cho ông cô gái gần nhà làm nghề dệt vải. Mỗi lần qua trò chuyện, chỉ mình ông nói, còn cô gái kia thẹn thùng má đỏ ửng không nói một lời nào. Nghĩ mình thất bại nên ông trở ra Hà Nội, không còn quay lại tìm cô nữa. Mãi sau 20 năm, gặp người quen của cô gái ấy, người này mới tiết lộ người con gái ấy đã chờ ông cho đến hết thời thanh xuân không đi lấy chồng.

img

Nói về một trong số  ngũ  trụ thành lập Hội Nhà sĩ Việt Nam (cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao),  nghệ sĩ Thanh Thúy, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, khẳng định: Sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt. 

“Dù đến thăm ông một thời gian ngắn trước đây trong tình trạng tuổi già, sức yếu, nhưng khi nghe tin dữ lại không ngăn được sự đau đớn.Lúc này, những giai điệu âm nhạc bay bổng, đầy sức rung cảm của ông vang vang trong tôi. Sau hơn nửa thế kỷ, những tác phẩm tiêu biểu như: Dư âm, Mẹ yêu con, Tiễn anh lên đường, Bài ca năm tấn, Cô nuôi dạy trẻ, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh... và đặc biệt nhất vẫn là ca khúc Dáng đứng Bến Tre, âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thật sự làm xốn xang lòng người và có sức tác động mạnh mẽ.

Mà đâu chỉ vậy, khi viết ca khúc về một vùng đất nào đó thì tác giả đưa vào đó cả âm sắc lẫn ca từ cùng với tình cảm thể hiện mà nhiều người cho rằng "nếu không phải là người địa phương chính gốc thì khó có thể viết được như thế". Như ca khúc “Dáng đứng Bến Tre” mà dân Nam Bộ chính gốc như mình lần đầu khi biết tác giả không phải người Miền Nam đã vô cùng ngạc nhiên và nể trọng vì cái chất đặc sệt Nam Bộ thấm đẫm trong bài hát. Ông yên nghỉ, nhưng gia sản âm nhạc đồ sộ mà ông để lại cho đời sẽ còn lưu truyền và được yêu mến mãi...Tin là như vậy!” - nghệ sĩ Thanh Thúy nhận định.

img

Ca sĩ Ánh Tuyết đến thăm và tặng quà cho nhạc sĩ.

Ca sĩ Ánh Tuyết bồi hồi nhớ lại, nhạc sĩ Nguyễn Văn  Tý là một con người tài hoa về nhiều mặt. Là một nhạc sĩ ông viết những ca khúc “tỉnh ca” mà vẫn thành công. "Tôi ấn tượng với ông từ năm 1978, năm tôi mới 17 tuổi, khi đó ông viết ca khúc về Đà Nẵng. Ông là người hoạt ngôn, hóm hỉnh, duyên dáng, lôi cuốn nhiều người khi nói về đề tài âm nhạc và cuộc sống. Là một người đẹp trai, đa tình, ông được nhiều người phụ nữ mê".

Chính ca sĩ Ánh Tuyết đã gần gũi và giúp nhạc sĩ trong những ngày già yếu cuối đời. Đó là vì chị không nghĩ mình là nghệ sĩ, mà là vì nghĩa cử khác: “Tôi đặt tình người lên trên, nhìn nhận tài năng  và đóng góp của ông, vì những ca khúc của ông là tài sản rất lớn về âm nhạc, dành cho những ai yêu âm nhạc và yêu con người của Nguyễn Văn Tý”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem